Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, và thành công của kỳ họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các Ủy ban của Quốc hội cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đã xử lý từ sớm, từ xa khối lượng công việc lớn, vừa mang tính dài hạn và bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách hiện nay để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, dự kiến khai mạc vào sáng mai 20-10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp thứ nhất - Ảnh: Nguyễn Nam
Thông thường, kỳ họp cuối năm có vai trò, vị trí rất quan trọng để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm và quyết định các chỉ tiêu cho năm tiếp theo. Chính vì vậy, thời gian họp thường diễn ra trong khoảng 30 ngày làm việc.
Tuy nhiên, tiếp tục tinh thần đổi mới từ kỳ họp thứ nhất, kỳ họp thứ 2 đã được UBTVQH suy xét kỹ lưỡng, quyết định xin ý kiến Quốc hội làm việc trong vòng 17 ngày. Việc rút ngắn thời gian họp này không phải là không có cơ sở, được UBTVQH ra sức chuẩn bị từ trước đó.
Đổi mới cách thẩm tra luật
Trước đó, từ tháng 8-2021, khi cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội lần lượt họp với các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc thẩm tra 7 dự án luật (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động, dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Sửa đổi bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ) trình tại kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: "Kinh nghiệm muốn rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng như kỳ họp thứ nhất vừa rồi thì không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa mà có chất lượng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng luật, gắn với trách nhiệm người đứng đầu".
Điểm đặc biệt của cuộc họp này là các lãnh đạo Quốc hội chỉ làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chủ trì xây dựng báo cáo thẩm tra mà không có sự tham dự của các bộ, ngành của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Đây là yêu cầu về việc chủ động, độc lập tham gia từ sớm vào xây dựng báo cáo thẩm tra của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước đó. Hơn nữa đây là những sản phẩm luật "đầu tay" của Quốc hội khóa XV mà theo Chủ tịch Quốc hội là "Thống nhất trình luật ra mà không thành công thì sẽ rất vất vả".
Nhờ cách làm này, cùng với sự tiếp thu, vào cuộc tích cực của Chính phủ, qua các phiên họp chính thức của UBTVQH, chất lượng tờ trình, báo cáo thẩm tra đã được củng cố, đảm bảo yêu cầu để trình ra kỳ họp thứ 2, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế đang có hiệu lực.
Phản ứng nhanh
Ngoài 3 phiên họp thường kỳ hàng tháng kể từ khi kết thúc kỳ họp thứ nhất tới nay, UBTVQH cũng liên tục tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề và các phiên họp bất thường để xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế.
Ngày 6-8, UBTVQH đã tổ chức họp khẩn cấp ngoài giờ để ngay trong đêm cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268 của UBTVQH về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết 86 các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 của Chính phủ ra đời ngay sau đó.
Được sự ủy quyền của Quốc hội bằng Nghị quyết 30/2021, không chỉ đồng hành cùng Chính phủ, UBTVQH còn chủ động đề xuất chính sách, bổ sung, hoàn chỉnh đối tượng gặp khó khăn vì Covid-19 được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp qua Nghị quyết 03/2021, đạt được sự đồng thuận rất nhanh trong UBTVQH và của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-10-2021.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), về kết quả sau 2 tuần triển khai Nghị quyết 116 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 03/2021 của UBTVQH, các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỉ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỉ đồng cho 425.117 người lao động.
Về cơ bản, Bộ LĐ-TB-XH đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022) khoảng 7.594,6 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết ngành đang tích cực triển khai để đảm bảo chi trả xong sau 45 ngày.
Quốc hội cũng trao quyền cho UBTVQH và Chính phủ trong thực hiện các giải pháp cấp bách để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Và tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 nhằm xác định rõ kết quả và bất cập, đồng thời định hình mô hình thích ứng với dịch, phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở đây, Đảng đoàn Quốc hội mới đây cũng đồng ý với Ban cán sự Đảng Chính phủ về việc kiến nghị Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào thời điểm cuối năm 2021 để xem xét một số dự án, đề án quan trọng, cấp bách như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV
Tích cực tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, ông đánh giá thời gian qua, Quốc hội đã thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ngày càng thực chất hơn và yêu cầu trong thời gian tới, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện chức năng này "theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề kinh tế- xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia".
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới xây dựng Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nhất trí chủ trương tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia giúp việc của UBTVQH nhằm huy động trí tuệ của xã hội, tư vấn cho UBTVQH và Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng và lâu dài hơn là mở ra Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội.
Nguyên đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá việc các cơ quan của Quốc hội tổ chức tọa đàm là sự khởi đầu tốt, là chủ trương đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Thậm chí khuyến khích cả những đóng góp mới, mang tính phản biện chính sách, xây dựng, đa chiều để có cái nhìn tổng thể hơn trước khi ra quyết định.
Bình luận (0)