Ngày 31-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực văn hoá, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Doãn Tấn
Nêu rõ tầm quan trọng của Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 là hội nghị toàn quốc đầu tiên về văn hoá được tổ chức sau 75 năm, kể từ Hội nghị văn hoá toàn quốc do Bác Hồ chủ trì năm 1946, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành VH-TT-DL tiếp tục nghiên cứu, thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh các nhiệm vụ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Đặc biệt cần lưu ý chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người, bảo đảm phù hợp với tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại Hội thảo Văn hoá năm 2022, đã đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Bộ VH-TT-DL cần tập trung thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. "Chúng ta xác định để phát triển văn hoá thì phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực thì cũng phải từ thể chế" - ông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề "cởi mở" hơn đối với visa cho du khách, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong kỳ họp tới (tháng 5-2023) có thể đề xuất Quốc hội đưa vào nghị quyết kỳ họp để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.
Về phối hợp tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (diễn ra tháng 9-2023), Chủ tịch Quốc hội cho biết có sự tham dự của các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, đây là cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh, văn hoá và đất nước, con người Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nghiên cứu, đề xuất nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại phiên thảo luận chuyên đề về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, làm rõ những yếu tố đặc sắc của Việt Nam và nội dung văn kiện cuối cùng của hội nghị.
Thay mặt ngành VH-TT-DL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trọng tâm trước mắt trong năm nay sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá để tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hoá.
Để nghị thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Bộ VH-TT-DL, trong đó có việc thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm; việc thành lập Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần đối chiếu với các quy định hiện hành, xây dựng Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bình luận (0)