Theo tin từ Văn phòng Trung ương Đảng, sáng 6-10, trong ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 6), Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025.
Hội nghị Trung ương 6 thảo luận về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Nhật Bắc
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, đề cập đến việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hội nghị bám sát Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, xu thế phát triển trên thế giới, tập trung thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, Tổng Bí thư đề nghị Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.
"Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển?" - Tổng Bí thư đặt vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn ra ví dụ về sự khó khăn như tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế nước ta, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cùng với đó là những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vẫn phải đối mặt với thực tế thiếu nhân lực, thuốc và vật tư y tế…
Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng: Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; và một số vấn đề quan trọng khác, chủ yếu là về công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Bình luận (0)