Tiếp tục các phiên thảo luận tại Hội nghị quốc tế về an toàn giao thông (ATGT) khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12, tổ chức tại TP HCM sáng 20-9, chủ đề "Các giải pháp nâng cao ATGT cho đối tượng dễ bị tổn thương" được nhiều người quan tâm.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có tới 7,5 triệu xe máy.
Theo ông Tường, TNGT trên địa bàn TP HCM tính từ đầu năm 2017 tới nay đều giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn TP xảy ra 2.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 464 người và bị thương 1.957 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 59 vụ, 67 người chết và 107 người bị thương.
Dù đáng mừng nhưng theo đánh giá và phân tích, số vụ TNGT được thống kê có đến 82% liên quan đến xe máy, cao hơn nhiều so với con số 34% của toàn khu vực Đông Á.
Xe máy lưu thông trên đường tại TP HCM
Thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Tường đánh giá là một "vấn nạn" của giao thông TP HCM và qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông - khi chiếm đến 90% là yếu tố này. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, không đúng phần đường...
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết những giải pháp mà Ban ATGT TP đã và đang thực hiện là tập trung vào các nội dung sát thực tế cùng hình thức tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu để mang lại hiệu quả.
Đồng thời, các đơn vị cũng thực hiện nhiều chuyên đề xử phạt, nhất là các hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông, nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, rà soát các bất cập giao thông để xử lí phù hợp...
Tuy nhiên, những giải pháp này dù đã đạt được một số hiệu quả nhưng vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề căn cơ, cải thiện ý thức người đi đường, khiến tình hình trật tự ATGT tại TP vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện trường một vụ TNGT giữa 2 xe máy tại TP HCM hồi năm 2016 khiến 3 người thương vong
Trước thực trạng trên, TS Chang Yi Luo, Trung tâm kỹ thuật Toyota (Nhật Bản) giới thiệu một giải pháp mới trong việc hạn chế TNGT là áp dụng công nghệ giao thông thông minh. Cụ thể, chuyên gia này đưa ra khái niệm về "xe kết nối" và dẫn luận nên có giải pháp để các phương tiện kết nối với tổng đài kiểm soát giao thông và thậm chí kết nối với nhau qua hệ thống hộp đen.
Giải pháp công nghệ này, theo TS Chang Yi Luo sẽ rất hiệu quả trong việc giám sát các phương tiện, điều hành giao thông, xử lý tai nạn, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện... Thậm chí, nếu phát triển, các giải pháp này còn ít phụ thuộc vào ý thức của người điều khiển phương tiện, khi có thể tự động ngưng hoạt động của xe nếu vi phạm...
Giải pháp công nghệ này, theo TS Chang Yi Luo sẽ rất hiệu quả trong việc giám sát các phương tiện, điều hành giao thông, xử lý tai nạn, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện...
TS Chang Yi Luo cho biết việc áp dụng giao thông thông minh đã mang lại nhiều hiệu quả ở Nhật Bản và đang được thí điểm ở Trung Quốc). Đây là dự án lớn của Toyota và dự kiến sẽ tiếp tục thí nghiệm ở Philippines và Việt Nam.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng bàn các vấn đề để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, tập trung cải tạo hạ tầng giao thông ở khu vực trường học, tạo một không gian an toàn cho trẻ đến trường, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về an toàn giao thông...
Sau 3 ngày diễn ra, chiều nay (20-9), Hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á lần thứ 12 sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề về giao thông thông minh, hành vi lái xe và một số vấn đề chung về tình hình giao thông khu vực Châu Á, sau đó sẽ bế mạc vào chiều tối cùng ngày.
Bình luận (0)