Ngày 12-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo.
Năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cá nhân. Ảnh: TTXVN
Tại phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất một số vấn đề.
Theo đó, trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cá nhân; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.
Ngành thanh tra, kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc; tập trung thanh tra, kiểm toán các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỉ đồng và 883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân.
Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021).
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.
Cũng trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án; kết luận điều tra 21 vụ/285 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 19 vụ/290 bị can, xét xử sơ thẩm 16 vụ/244 bị cáo, xét xử phúc thẩm 12 vụ/81 bị cáo; xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Như: (1) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và một số đơn vị liên quan; (2) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; (3) Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; (4) Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2, số 01 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; (5) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; (6) Vụ án "Nhận hối lộ; Buôn lậu; Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép; Không tố giác tội phạm" xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; (7) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; (8) Vụ án "Buôn lậu; Nhận hối lộ" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương; (9) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
Điểm nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân (lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm, buôn lậu,…); khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đặc biệt là, đã khẩn trương kết luận điều tra, truy tố, đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngay cả khi bị cáo đầu vụ và một số đồng phạm đã bỏ trốn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỉ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỉ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).
Trong năm 2022, các địa phương trong cả nước đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng (tăng 1,5 lần so với năm 2021); nhiều địa phương đã khởi tố vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay có 24 địa phương đã khởi tố 27 vụ án/68 bị can.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, trong đó, công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn khó khăn, vướng mắc...
Bình luận (0)