Chiều 7-12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khóa X tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhiều đại biểu cho rằng có nhiều hạn chế trong công tác giải ngân đầu tư công, dẫn đến tỉ lệ giải ngân trong 11 tháng đầu năm thấp.
Theo đại biểu Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy Bình Tân, nguyên nhân do dịch COVID-19 đã rõ nhưng sau dịch, nhu cầu vốn của các địa phương rất lớn, HĐND thành phố đã có nhiều đợt giám sát, UBND thành phố cũng lập các tổ công tác tháo gỡ nhưng tình hình giải ngân vẫn không khả quan hơn.
Đại biểu Huỳnh Khắc Điệp cho rằng cần ưu tiên vốn cho địa phương nào có tỉ lệ giải ngân tốt; Ảnh: Phan Anh
Ông Huỳnh Khắc Điệp cho rằng có nguyên nhân là quy trình thủ tục, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện còn chậm trễ. Đơn cử câu chuyện của quận Bình Tân, ông Điệp cho hay 3 lần gửi kiến nghị cho sở, ngành nhưng không được trả lời. Chỉ đến khi đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND thành phố thì các sở mới biết có kiến nghị này.
"Cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách nhưng cũng ưu tiên cho địa phương nào có tỉ lệ giải ngân tốt" - đại biểu Điệp nhấn mạnh.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Đạt cũng bày tỏ lo ngại về tỉ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố. Ông cho rằng UBND thành phố cần phân tích, mổ xẻ cụ thể hơn, đánh giá sâu hơn nguyên nhân. "Trong khi nhu cầu vốn hết sức khó khăn, những dự án mà người dân đang chờ thì thành phố không thể tăng tỉ lệ giải ngân được"- ông Đạt lo ngại.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai lý giải nguyên do là số dự án chuyển qua thực hiện trong giai đoạn trung hạn nhiều. Có rất nhiều dự án từ giai đoạn trước được chuyển tiếp, những khó khăn của số dự án này từ giai đoạn trước cũng ảnh hưởng đến giai đoạn này.
Cùng đó, tỉ lệ dự án có phần vốn bồi thường, công tác bồi thường chiếm tỉ lệ cao trong kế hoạch vốn năm 2022.
Theo bà Mai, một dự án bối thường thì mất từ 6 - 12 tháng để thực hiện thủ tục. Điều này ảnh hưởng nhất định tiến độ giải ngân dự án, bên cạnh đó là các vướng mắc về pháp lý.
Trong thời gian tới, bà Mai cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành khác đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng tỉ lệ giải ngân như: lập tổ công tác để thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án làm ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân; giám sát các dự án ODA giải ngân chậm, chưa đến 10%.
Năm 2023, TP HCM sẽ duy trì chế độ giao ban, thực hiện Chỉ thị 13 về tăng cường thực hiện các dự án đầu tư công để làm sao điều hòa vốn, cân đối, bố trí vốn cho các dự án.
Bình luận (0)