Chiều 9-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2020 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại tổ, góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng cần đưa vào văn kiện của Đảng bộ TP giải pháp cụ thể đối với việc xây dựng chính quyền.
TP cần tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền thành phố gắn với thực hiện tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TP.
Cụ thể, TP cần sớm đề xuất Trung ương cho TP thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Theo ĐB Lê Minh Đức, việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả.
ĐB Lê Minh Đức ủng hộ việc không tổ chức HĐND quận, phường
ĐB Lê Minh Đức phân tích thực tế HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, sự tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau; cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước.
Dẫn kinh nghiệm trong giai đoạn trước đây khi TP thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn TP, ĐB Lê Minh Đức nói UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy.
"Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính. Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, TP vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân" – ĐB Lê Minh Đức nói.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng sau khi tái lập HĐND quận, huyện, phường thì hiệu quả hoạt động như thế nào?
Bên cạnh đó, các ĐB cũng góp ý cho các chương trình đột phá của TP. Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Thảo, đọc văn kiện thấy tai nạn giao thông trên địa bàn TP giảm cả 3 mặt. "Nếu đúng giảm cả 3 mặt thì đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để thuyết phục hơn cần có các số liệu để chứng minh" – ĐB Thảo nói và cho rằng cần bổ sung số liệu vào văn kiện Đại hội.
Trong khi đó, ĐB Trần Thanh Trí băn khoăn một số chi tiêu được đưa ra trong văn kiện Đại hội. Đó là đến năm 2025, TP sẽ hết ngập, hết ô nhiễm môi trường. ĐB Trí đặt câu hỏi: "Liệu các chỉ tiêu này có thực hiện được".
ĐB Trí cũng cho biết TP đưa ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ tới. "Không biết chương trình đột phá và chương trình trọng điểm cái nào quan trọng’ – ĐB Trí nói và cho rằng TP nên chọn 1 trong 4 chương trình để quyết tâm thực hiện cho bằng được. Bởi thực tế 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ này chưa có cái nào đạt được 100%.
Bình luận (0)