Ngày 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội khóa XV thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch cho năm 2022; tình hình ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022; công tác phòng chống, dịch Covid-19.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có hơn 100 đại biểu đăng ký phát biểu trong buổi sáng. Tại đợt 2 này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp tục họp trực tuyến do có 2 đại biểu trong đoàn mắc Covid-19; Đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang cũng họp trực tuyến do đoàn đang cách ly y tế theo quy định của tỉnh vì tiếp xúc với 1 ca F0.
Quốc hội tiếp tục kỳ họp thứ 2 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội)
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu dành thời gian để đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Được phát biểu tối đa 7 phút, các đại biểu đã nhấn mạnh những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong trong phòng chống dịch, đặc biệt là đợt bùng dịch lần thứ 4.
Ở điểm cầu TP HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nguy cơ lớn nhất của dịch bệnh này là bệnh nhân chuyển sang trạng thái nặng và tử vong. "Để thực sự sống với dịch và chủ động, linh hoạt khống chế tỉ lệ nhiễm, số ca nặng, tử vong thì trong thời gian qua, TP HCM đã có những kinh nghiệm thực tế, đây là bài học rất cần thiết"- bà Lan nhấn mạnh.
Thực trạng y tế cơ sở là vấn đề được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị xem xét lại một cách toàn diện. Theo bà, đây không phải là lần đầu tiên nói về y tế cơ sở, y tế dự phòng bởi đã có quy định về phân bổ ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng các địa phương làm được điều này đều "đếm trên đầu ngón tay".
Từ vấn đề vừa nêu, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có chính sách xuyên suốt, quan điểm từ Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế để có chính sách cụ thể về y tế cơ sở. "Có thể nói chưa giai đoạn nào như giai đoạn vừa qua, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề căn cơ thì tiếp tục bị động"- bà Lan lo ngại.
Cũng liên quan tới y tế cơ sở, vị đại biểu TP HCM nhấn mạnh không chỉ có vấn đề về tiền mà làm sao còn thu hút nhân lực, có trình độ cao. Hiện nay, chúng ta đang "chắp vá", bởi thường xuyên thay đổi về tổ chức. Về hệ thống điều trị, đây là phép thử để nhìn lại năng lực thực sự của chúng ta.
Các bệnh viện chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để bảo đảm cung ứng được thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, việc phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng gây khó khăn trong thanh toán. "Ví dụ xét nghiệm, nếu phân công rạch ròi để bảo hiểm làm từ đầu cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ thì có lẽ không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra"- đại biểu Lan nêu vấn đề.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thời gian vừa qua đã "bỏ quên" lực lượng y tế tư nhân, lực lượng này chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế tham gia phòng chống dịch thế nào cho đúng. "Về vắc-xin, hiện nay chúng ta chưa cho phép vắc-xin dịch vụ. Theo tôi, vắc-xin dịch vụ cũng là hình thức để xã hội đóng góp"- vị đại biểu TP HCM nói.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, vẫn còn những lúng túng trong ứng phó khiến chúng ta phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt tại TP HCM.
ĐBQH Trần Văn Khải đề nghị có thêm các chính sách hỗ trợ người lao động
Khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị quan tâm hơn tới công nhân vì đây là lực lượng vừa qua bị sang chấn tinh thần, điều chưa từng xảy ra, có thể để lại di chứng lâu dài.
Vị đại biểu tỉnh Hà Nam nhấn mạnh đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng. Về một số giải pháp hỗ trợ người lao động, ông Khải cho rằng cần chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại tìm việc trong môi trường an toàn, hỗ trợ tài chính ổn định cuộc sống, có chính sách khuyến khích người lao động và doanh nghiệp…
Về hệ thống an sinh xã hội, ông Trần Văn Khải đề nghị bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội. "Muốn vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, đảm bảo cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở"- đại biểu Khải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.
Bình luận (0)