Trong các ngày 4, 5-10, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại TP New York, Mỹ, Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) Đại hội đồng LHQ khóa 72 đã tổ chức cuộc họp theo đề mục "Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế". Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed đã tham dự và trình bày báo cáo về tăng cường và phối hợp các hoạt động của LHQ về pháp quyền.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh vai trò nền tảng của pháp quyền trong việc duy trì hòa bình ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người; pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế có liên quan chặt chẽ với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Việc thúc đẩy pháp quyền cần phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Đại sứ cũng nêu rõ Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN nỗ lực xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển LHQ 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý.
Đại sứ khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với LHQ và các nước thành viên tăng cường pháp quyền nhằm thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Các phát biểu tại phiên thảo luận đều cho rằng tăng cường pháp quyền là hoạt động vô cùng quan trọng của hệ thống LHQ; tôn trọng pháp quyền ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế là thiết yếu trong việc xử lý các thách thức an ninh, xung đột hiện nay. Các nước Không liên kết nhấn mạnh tất cả các nước lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, không diễn giải luật pháp quốc tế một cách có chọn lọc hay áp dụng tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế. Các nước cũng đã đề xuất những giải pháp, khuyến nghị nhằm tiếp tục quảng bá, đào tạo và nghiên cứu luật pháp quốc tế nhằm xây dựng một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Bình luận (0)