Đại sứ Thuỵ Điển (phải) thăm nhà máy giấy Bãi Bằng
Ngày 16-5, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Pereric Högberg và phu nhân Anna Högberg đã đến thăm nhà máy giấy Bãi Bằng (tỉnh Phú Thọ). Đây là biểu tượng của sự ủng hộ chính trị và kinh tế vào thập niên 1970, của Thuỵ Điển khi các nước phương tây khác chưa có mặt tại Việt Nam.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 11-1-1969, Vương quốc Thụy Điển chính thức ký thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chỉ mấy tháng sau (tháng 6-1970), Thụy Điển mở Đại sứ quán tại Hà Nội - sớm nhất không chỉ với các nước châu Âu mà với rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng bởi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt mà từ cuối 1972, Chính phủ Thụy Điển hình thành ý tưởng viện trợ cho đất nước Việt Nam đang phải vật lộn với chiến tranh xây dựng một nhà máy sản xuất giấy từ nguồn tiền viện trợ của Chính phủ với tiền quyên góp hỗ trợ của nhân dân Thụy Điển ủng hộ Việt Nam (khoảng 2,5 tỉ SEK – tương đương 415 triệu USD).
Đại sứ Pereric Högberg và phu nhân Anna Högberg tại nhà máy giấy Bãi Bằng
Khởi công vào năm 1974, sau 8 năm các chuyên gia, cố vấn kỹ thuật Thụy Điển sát cánh cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam xây dựng và nhà máy được khánh thành, đi vào hoạt động, cho ra những tấn sản phẩm giấy đầu tiên vào ngày 26-11-1982.
Lúc này Việt Nam đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong thời kỳ bao cấp và giấy là một trong những mặt hàng thiết yếu mà hàng năm nhà nước phải nhập khẩu để phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của xã hội. Với sản lượng hơn 30.000 tấn giấy xuất xưởng trong vài năm đầu rồi dần đưa lên hơn 40.000 tấn những năm giữa và cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, về cơ bản Việt Nam đã giải tỏa được "cơn khát giấy" tồn tại bấy lâu.
Cùng thời gian thi công xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng, nhân dân và Chính phủ Thụy Điển còn viện trợ 25 triệu USD cho Việt Nam xây dựng một Bệnh viện nhi Thụy Điển (hiện là Bệnh viện Nhi Trung ương).
Đại sứ Pereric Högberg và phu nhân Anna Högberg thăm, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cũng trong chuyến thăm đến tỉnh Phú Thọ, Đại sứ Pereric Högberg và phu nhân Anna Högberg đã cùng với nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển đến thăm, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
* Tuần qua, Đại sứ Pereric Högberg đã có chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô, xuất phát từ Hà Nội vào sáng ngày 8-5, qua 5 điểm dừng chân và kết thúc hành trình vào tối ngày 12-5 tại TP HCM, qua quãng đường dài 1.750 km, dừng chân tại Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang. Đại sứ Pereric Högberg chia sẻ ông muốn đi bằng ô tô bởi nếu chỉ đi bằng máy bay như bình thường sẽ không có điều kiện khám phá, thưởng thức những cảnh đẹp hai bên đường, trải nghiệm những nét văn hoá vùng miền, sự khác biệt của những vùng đất khác nhau của Việt Nam, gặp gỡ những con người ở những vùng miền mà ông chưa có cơ hội tiếp xúc.
Một số hình ảnh từ hành trình, cho ta thấy đất nước Việt Nam từ góc nhìn của Đại sứ Thụy Điển:
"Một khoảng khắc đầy cảm xúc trên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải nơi chia cắt hai miền Bắc - Nam trong cuộc chiến Việt Nam. Gợi nhớ lại những điều khủng khiếp về chiến tranh. Hy vọng chúng ta rút ra các bài học từ lịch sử" - Đại sứ viết
"Rời Huế sau một buổi sáng tuyệt vời tại khu vực Hoàng thành vô cùng ấn tượng. Được xây dựng năm 1362 và ngày nay một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Thật dễ dàng để có thể hiểu lý do tại sao. Lịch sử Việt Nam thực sự hấp dẫn. Đêm qua tôi đã thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Huế cùng với bia Huda".
"Chúng tôi rời Quy Nhơn để đến Nha Trang kịp vào giờ ăn trưa. Cảnh biển cực đẹp cùng với bữa ăn sáng. Một sự thay đổi thú vị khi trời đổ mưa khi chúng tôi đến đêm qua. Tôi cũng đã được trải nghiệm con đường mới từ Hội An đến thị trấn Tam Kỳ, nơi cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt tại đây trong quá khứ. Bảo tàng Sơn Mỹ gợi nhớ về sự đau khổ to lớn của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Và một lần nữa tôi ấn tượng với sự lạc quan của Việt Nam luôn hướng về phía trước, khi ta biết rằng quá khứ tạo ra nền tảng cho tương lai hy vọng hơn. Khi nói về lịch sử, qua cửa sổ xe, tôi cũng có được cảm nhận về sự hấp dẫn của văn hóa Chăm. Chúng tôi đã di chuyển một quãng đường dài, và cà phê Việt giúp chúng tôi thoải mái và tỉnh táo".
"Trọng tâm tại Nha Trang là các vấn đề về biển và đại dương. Vì những lý do rõ ràng! Tôi đã đến Nha Trang năm ngoái và sau đó đã có chuyến thăm hết sức thú vị tới Vịnh Cam Ranh. Lần này, tôi có cuộc gặp với UBND tỉnh Khánh Hoà và nói đến những thách thức với các tỉnh duyên hải Việt Nam và Thuỵ Điển. Những tiềm năng với các công ty Thuỵ Điển ở TP Nha Trang đang ngày càng phát triển. Và tất nhiên là du lịch, với ngày càng nhiều du khách Thuỵ Điển tới thăm khu vực này".
Sau đó, tôi được mời tới thăm Viện Hải Dương học để thảo luận về Biển Đông. Chúng tôi không chỉ bàn về cách giảm áp lực trên biển nơi việc khai thác, xây dựng quá mức và ô nhiễm là những vấn đề lớn. Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 tới đây rất quan trọng. Tôi rất vui mừng được biết đến mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các viện của Thuỵ Điển, trong đó có trường Đại học Stockholm University, và tôi còn thấy nhiều tiềm năng nữa. Và tất nhiên, sau đó tôi có bữa tối với đồ ăn hải sản hết sức ngon miệng".
Đại sứ tới thăm Tháp Chăm Po Klong Garai. Công trình được người Chăm xây dựng vào thế kỷ thứ 13, tại nơi xưa từng là vương quốc Chăm-pa, nay thuộc lãnh thổ Việt Nam.
"Tại Bình Thuận, chúng tôi thấy có những nhà máy điện chạy bằng than nằm bên tay trái còn các nhà máy điện chạy bằng gió bên tay phải. Trông chúng chẳng đẹp tí nào trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi này, nhưng ít nhất có một sự lựa chọn mang tính bền vững ở đây".
Chiều 13-5, Đại sứ đã có buổi trao đổi và giao lưu với công chúng TP HCM bên lề sự kiện giới thiệu cuốn sách "Ông trăm tuổi nhảy qua cửa sổ và biến mất", phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ. "Thật là vui được trao đổi với những khán giả yêu mến văn hoá, văn học Thuỵ Điển"- ông viết.
Bình luận (0)