Chiều nay 19-7, tại Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54/2005 của Bộ Chính trị (Ban chỉ đạo 54) và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Khoa học hành chính Việt Nam, kiến nghị thành lập Hội đồng tư vấn vùng đối với các vùng trong cả nước, trong đó có vùng ĐBSH, Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên...
TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn vùng - Ảnh: Thế Dũng
Theo ông Tuấn, Hội đồng tư vấn phát triển vùng không phải là một cấp hành chính, mà là một tổ chức với các thành viên do Trung ương, Chính phủ và các địa phương trong vùng giới thiệu. Đó là các nhà quản lý, nhà khoa học, hoặc đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển liên kết vùng.
Hội đồng này thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ liên kết phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) như: Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH vùng; Lựa chọn hoặc đề xuất các chương trình, dự án đầu tư có tính liên kết vùng; Thẩm định quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH địa phương; Theo dõi, giám sát mối quan hệ liên kết chính quyền địa phương trong vùng, quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch; Đề xuất các chính sách có liên quan tới phát triển KT-XH vùng; Huy động nguồn lực phục vụ phát triển nội vùng... Hội đồng tư vấn phát triển vùng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số.
Ông Tuấn cũng dẫn kinh nghiệm của Mỹ khi có quy mô vùng là các Bang: Vùng Delta (gồm 8 bang là Alabama, Arkansa, Illinois, Kentucky, Louisiana, Misissippi, Missouri và Tennesssee). Mục đích thành lập Ban quản lý vùng là nhằm cải thiện cuộc sống người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo. Nhiệm vụ được xác định là: Phát triển khoa học, chương trình tổng thể về phát triển kinh tế vùng; định hướng ưu tiên phát triển, phê duyệt kế hoạch bang; nghiên cứu đánh giá, theo dõi tài sản chung; hỗ trợ chính quyền bang… Địa vị pháp lý: Ban Quản lý vùng do Quốc hội thành lập; Quốc hội ban hành một đạo luật về thẩm quyền vùng Delta.
Hay kinh nghiệm của Pháp về thành lập Ban quản lý vùng là một số các tỉnh - trung bình là 7-8 tỉnh lập 1 vùng. Mục đích thành lập là thực hiện nhiệm vụ được phân cấp và thực hiện điều phối liên kết giữa các tỉnh. Nhiệm vụ của bộ máy là: Lập chương trình phát triển vùng; lập kế hoạch giao thông (bộ, sắt, biển); phát triển kinh tế; đào tạo nghề; du lịch; văn hóa-môi trường; sức khỏe và nông nghiệp… Địa vị pháp lý: căn cứ vào luật phân cấp và luật tự do địa phương và trách nhiệm của địa phương.
Còn kinh nghiệm của Hàn Quốc về thành lập Ban quản lý vùng với quy mô vùng phân định thành 7 vùng kinh tế. Mỗi vùng từ 2 đến 3 tỉnh/thành phố. Mỗi vùng đều thành lập tổ chức quản lý với tên gọi là Hội đồng tổng thống về Phát triển vùng hoặc Ủy Ban phát triển vùng kinh tế. Mục đích thành lập nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh; nhiệm vụ là xây dựng tầm nhìn, định hướng và kế hoạch phát triển vùng, ngành; điều phối chính sách vùng; đánh giá dự án vùng; xem xét thỏa thuận đầu tư; quản lý tài chính đặc biệt vùng.
Kinh phí của các hội đồng này là ngân sách trung ương, các quỹ.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Cần có thể chế vùng đủ mạnh để phát triển ĐBSH
Về đề xuất của ông Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất mô hình "Hội đồng vùng" và cho biết sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 đã có một số kết quả như vùng nào cũng có những thể chế riêng, đã có một số liên kết hiệu quả như giao thông vì nội tại nhu cầu kết nối của mỗi địa phương. Hay kết nối về du lịch, phòng chống dịch bệnh. Nhưng các lĩnh vực khác còn cạnh tranh lẫn nhau như đầu tư, thu hút lao động…
Rất nhiều địa phương kêu về quy định pháp luật đầu tư, chi ngân sách để đầu tư phát triển còn "trói buộc". Như tỉnh này muốn làm cầu sang tỉnh kia thì không thể làm công trình ở khu vực giữa 2 tỉnh vì không có quy định cho chi ngân sách, dù đây là công trình cấp bách. Hay giữa 2 tỉnh muốn làm cao tốc cũng không đơn giản vì đoạn đường giữa 2 địa phương không có cơ chế để đầu tư.
"Thể chế điều phối hiện vẫn bị thu hẹp. Khi các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Miền Trung hay Đông Nam Bộ muốn hiệu quả thì phải đủ thể chế cho các địa phương liên kết trong vùng. Cần có thể chế vùng đủ mạnh để tăng cường hiệu quả để thực hiện nghị quyết phát triển vùng. Chứ không 17 năm tới chúng ta lại quay lại tổng kết Nghị quyết 54 "phẩy" vẫn còn vướng mắc. Cần có bài toán tổng thể cho cả vùng và nhiệm vụ của mỗi địa phương trong vùng"- ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị lại cho rằng không nên lặp lại "câu chuyện" Ban Chỉ đạo vùng vì "tự nhiên lại tạo ra cấp trung gian, rất mất thời gian mà cuối cùng thì cấp giải quyết vẫn là Chính phủ".
Ông Nghị đề xuất lập cơ quan điều phối vùng đặt ngay trong Văn phòng Chính phủ hoặc trực thuộc Chính phủ.
"Như vậy Chính phủ vẫn là điều hành, phân phối nguồn lực cũng như thiết kế cơ chế chính sách. Do đó, tôi không ủng hộ thành lập Ban Chỉ đạo nhiệm vụ chung chung như vậy mà lãnh đạo Ban chỉ đạo lại còn kiêm nhiệm nữa thì không hiệu quả, không hiệu lực"- ông Nghị nhìn nhận.
Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết về vấn đề thể chế vùng, cần tính toán kỹ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức tinh bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ có tổng hợp, nghiên cứu thật kỹ để báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị với mục tiêu tạo ra thể chế, chủ trương chính sách đột phá để vùng ĐBSH phát triển mạnh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng quy hoạch ĐBSH cần bảo đảm nguyên tắc tích hợp từ dưới lên từ trên xuống,huy động nguồn lực các địa phương. Công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đô thị là xu thế tất yếu phải có nhận thức rõ ràng và phát triển thực chất. Phát triển ĐBSH phải gắn với sự phát triển của cả nước, trong đó, cần bám sát nghị quyết của Đảng là nền tảng phát triển.
"Cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư nhưng giờ là lúc lựa chọn kỹ càng dự án đầu tư, không chạy theo số lượng, làm sao thu hút về mình tạo ra giá trị gia tăng cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp" - ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Bình luận (0)