Chiều nay 28-2, phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đã đến thăm và làm việc tại cơ sở nghiên cứu, sản xuất thiết bị dân sự của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Viettel - Ảnh: Hoàng Linh
Phái đoàn cấp cao của Triều Tiên do 3 Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên là các ông: Ri Su-yong, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban Quốc tế; ông Kim Pyong-hae, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên; ông O Su-yong, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, dẫn đầu đã được đón tiếp bởi Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo tập đoàn Viettel.
Tiếp đón phái đoàn cấp cao Triều Tiên tại các cơ sở sản xuất thiết bị dân sự của mình, chỉ trong khoảng thời gian ngắn Viettel đã giới thiệu các lĩnh vực nổi bật của tập đoàn. Từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Bắt đầu kinh doanh viễn thông với số vốn khởi điểm là 2,3 tỉ đồng (tương đương ~ 100.000 USD) và giá trị thương hiệu bằng 0, đến nay, Viettel đã vươn lên là tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam, được định giá là một trong 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới với mức định giá thương hiệu 4,316 tỉ USD.
Giá trị của Viettel được đánh giá cao do sự hiện diện và đóng góp ở 10 thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy Viettel đã trở thành một doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Tại Viettel, phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đã đến thăm Trung tâm Điều hành mạng lưới viễn thông toàn cầu, là nơi trực tiếp giám sát và vận hành khai thác hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho 10 công ty viễn thông nước ngoài.
Phái đoàn còn được giới thiệu về hệ thống sản phẩm thiết bị lõi viễn thông do Viettel sản xuất (trạm phát sóng 4G- EnodeB, hệ thống tính cước thời gian thực OCS, hệ thống tổng đài thoại – MSC; Tổng đài nhắn tin SMSC; Tổng đài dữ liệu mạng 4G – EPC…).
Để thể hiện được năng lực tự sản xuất các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, Viettel còn giới thiệu đến phái đoàn các thiết bị, giải pháp dành cho ngư dân, như: Thiết bị bộ đàm liên lạc nhóm, máy nhận dạng tàu cá AIS, máy thông tin tàu cá, hệ thống giám sát tàu cá – Stracking, thiết bị cứu nạn cá nhân, hệ thống phát tin cảnh báo thiên tai ...
Viettel cũng sở hữu dây chuyền gắn linh kiện điện tử trên bề mặt hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất điện thoại, máy tính bảng, máy tính chuyên dụng...
Ông Ri Su-yong - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban Quốc tế - phát biểu: "Chúng tôi đã được nghe về sản phẩm của Viettel và rất ấn tượng với công nghệ của các bạn. Tại Triều Tiên, chúng tôi cũng rất quan tâm đến lĩnh vực viễn thông và các sản phẩm cho xã hội thông minh. Hy vọng sau chuyến viếng thăm lần này sẽ có những cơ hội khác để giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực này với Viettel".
Viettel là đơn vị được giao trọng trách đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất phục vụ phóng viên tới tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều (IMC) . Đặc biệt, Viettel cũng là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ internet và thoại quốc tế cho các hãng thông tấn báo chí tại các phòng làm việc khép kín trong IMC.
Viettel đảm bảo hơn dự phòng cáp và thiết bị gấp 3 lần so với yêu cầu của Ban tổ chức là dự phòng 1+1, đảm bảo hơn 2.000 mạng lan, hàng chục smallcell và wifi, chưa kể xe cơ động.
Viettel cam kết mỗi người dùng internet có dây đảm bảo dung lượng quốc tế tối thiểu 20Mbps/người dùng, gấp 20 lần so với khách hàng thường; kết nối wifi đảm bảo cho khoảng 3.500 người dùng sử dụng đồng thời với tốc độ cao đáp ứng cho các nhu cầu quay phim, chụp ảnh, livestream, post bài của phóng viên quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, Viettel cũng cung cấp dịch vụ thoại cố định kèm thiết bị cho hàng trăm bàn làm việc của ban tổ chức và phòng làm việc của phóng viên.
Bình luận (0)