Ngày 21-1, thông tin từ Sở Nội vụ TP HCM cho hay Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân vừa ký văn bản khẩn gửi UBND quận 2, quận 9 và Thủ Đức về việc một số nội dung cần lưu ý khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
Trước đó, ngày 14-1, HĐND TP Thủ Đức đã có quyết định tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND TP Thủ Đức.
Kể từ ngày 22-1, tất cả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền địa phương TP Thủ Đức thực hiện
Do đó, để hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo quy định của pháp luật, Sở Nội vụ TP đề nghị UBND quận 2, quận 9 và Thủ Đức lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, về thời điểm chính thức hoạt động của TP Thủ Đức: Kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND TP Thủ Đức thì chính quyền địa phương của TPThủ Đức chính thức hoạt động. Chính quyền địa phương tại các quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương của TP Thủ Đức thực hiện.
Kể từ ngày 22-1, tất cả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền địa phương TP Thủ Đức thực hiện. Việc sử dụng con dấu của các cơ quan, đơn vị và các phường thuộc chính quyền địa phương quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ chấm dứt hiệu lực đến hết ngày 21-1.
Vào ngày 31-12-2020, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
Tại Lễ công bố, lãnh đạo Quốc hội đã trao Nghị quyết cho lãnh đạo TP HCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. "TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước" – Chủ tịch UBND TP cho biết.
Trước đó, theo phương án nhân sự được Sở Nội vụ trình UBND TP HCM, TP Thủ Đức sẽ có 657 người, gồm: một Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người.
Thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Bình luận (0)