Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9. Đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương trong năm nay.
Năm 2023 này cũng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10, 11-9 tới theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Ảnh: Ông Joe Biden (trên cương vị Phó Tổng thống) bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thay mặt Chính phủ Mỹ chủ trì chiêu đãi Tổng Bí thư thăm chính thức Mỹ tháng 7-2015 theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Sau 28 năm kể từ khi chính thức xác lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, quan hệ giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.
Thủy sản là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Mỹ. Ảnh: NGỌC TRINH
Hiện Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hơn 240 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 7,8 tỉ USD (năm 2005), 45,1 tỉ USD (năm 2015), 47,15 tỉ USD (năm 2016), 50,8 tỉ USD (năm 2017) và 60,3 tỉ USD (năm 2018) lên hơn 123 tỉ USD vào năm 2022.
Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại, địa chính trị diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.
Về đầu tư, nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Phía Mỹ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, kinh tế số.
"Hợp tác về kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều mới đạt 35 tỉ USD, nay đã lên 123 tỉ USD, tăng gấp gần 4 lần. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số, chứng tỏ quan hệ kinh tế - thương mại có tính bổ sung, hai bên cùng có lợi. Điều đó cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn, có khả năng mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ rằng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tốt" - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, đánh giá.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tháng 3-2023, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam với hơn 50 doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều phái đoàn từ Mỹ đến Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng xuất phát từ những nội dung lãnh đạo cấp cao hai bên đã nhất trí khi điện đàm với nhau, nhiều chuyến thăm để triển khai những nội dung hợp tác, bao gồm của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ...
Theo ông Phạm Quang Vinh, trong năm nay kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, hai bên sẽ nhấn mạnh đà quan hệ Việt Nam - Mỹ, để làm cho nó tốt hơn. Trong đó, kinh tế sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác.
Những lĩnh vực hợp tác mới chắc chắn sẽ là câu chuyện hai bên nhấn mạnh hơn, trong đó có vấn đề chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác về công nghệ sáng tạo, chuyển đổi xanh, bao gồm những cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, đi cùng là sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, hạ tầng xanh… Hai bên đều có tiềm năng trong những lĩnh vực đó để tăng cường hợp tác hơn nữa.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L.Yellen. Ảnh: SBV
Qua chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, những câu chuyện mà hai bên trao đổi với nhau và thông báo của Nhà Trắng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng hợp tác công nghệ sẽ là một lĩnh vực quan trọng. Cơ hội rất nhiều, khả năng và đà hợp tác hai bên còn rất lớn. Việc triển khai thực hiện trong thời gian tới là rất quan trọng.
"Với Việt Nam, để có thể tranh thủ được luồng tài chính và đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sạch, bao gồm khoa học công nghệ liên quan, điều mà Chính phủ ta đang làm tập trung vào 3 khía cạnh: Cải thiện khung chính sách cho phù hợp hơn, nâng cao hơn nữa hạ tầng và nguồn nhân lực. Nếu cùng đồng thuận thực hiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước" - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh kỳ vọng.
Bình luận (0)