Theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian qua, TP đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang kênh rạch, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, khôi phục dòng chảy, kè bờ cứng, làm đường, làm cầu, xây dựng công viên và chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, làm thay đổi diện mạo đô thị, môi trường sống và "đổi đời" cho hàng chục ngàn hộ gia đình…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Châu cũng nêu ra những tồn tại hạn chế như: Giai đoạn trước năm 2004, do chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên đã có một số dự án khu nhà ở, khu du lịch đã được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn. Chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (đoạn từ huyện Nhà Bè đến quận 9) và sông, rạch, kênh thuộc khu vực nội thành, để làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện kè bờ theo từng giai đoạn, kết hợp với nắn lại mép bờ cao sông rạch nhằm chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan.
TP cũng chưa có quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông rạch, trên cơ sở thiết lập mới hoặc kết hợp với điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 và cập nhật các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đang sử dụng quỹ đất đến mép bờ cao sông rạch. Kể cả sự cần thiết quy hoạch chi tiết một số vị trí mặt sông, để cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước để phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo
Trước thực trạng đó, ông Lê Hoàng Châu đề xuất xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. TP chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông Châu, chỉ giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ (kết hợp với nắn mép bờ cao theo phương thức bù trừ đất đai, để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho biết TP đã phủ kín quy hoạch phân khu trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30- 50 m. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành có chức năng là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. TP cũng đã quy hoạch tuyến du lịch đường thuỷ trên sông Sài Gòn, tuyến buýt sông, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, quy hoạch 10 phân khu dọc sông Sài Gòn…
Mặc dù quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh rạch đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như tính định hướng kết nối khai thác tiềm năng cảnh quan không gian 2 bên bờ sông chưa chưa được quan tâm đúng mức, một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng lại thiếu đồng bộ do căn cứ vào các cơ sở pháp lý khác nhau. Chất lượng một số đồ án quy hoạch 1/500 còn hạn chế, thiếu đồng bộ trong quản lý của các ngành về khai thác giao thông, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị chưa có điều kiện tích hợp khoa học. Tình trạng lần chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hoá cao trong các hàng rào dự án nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sông nước với TP HCM là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, là điều kiện để TP phát triển.
Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị TP cần chuyên đề nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch làm kè, sử dụng đất ven sông. TP cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập nước và thoát nước TP, đồng thời khẳng định lại giải pháp vĩ mô về chống ngập. Làm rõ những giải pháp kỹ thuật tiến bộ xây kè bờ sông. Kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định hướng phân loại chức năng hệ thống sông, kênh rạch TP (cần làm rõ sông và kênh rạch TP phần nào làm giao thông, phần nào làm chức năng thoát nước, phần nào làm nơi sinh hoạt cộng đồng, phần nào làm các dự án kinh doanh ven sông). Giới thiệu một số bài học mô hình TP làm bờ kè có những khó khăn thuận lợi gì. Từ thực tế TP rà soát những vấn đề không hợp lý, xung đột để điều chỉnh cho phù hợp.
Bình luận (0)