Ngày 27-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khai mạc Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 350 kiều bào, đại diện cho hơn 5,3 triệu kiều bào trên thế giới.
Hội nghị tôn vinh những đóng góp của kiều bào trong nhiều năm qua cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: Dương Ngọc
Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Những đóng góp quan trọng, thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước hàng năm đã tham gia tích cực, có nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn sâu sắc, tâm huyết vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày càng nhiều doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong những năm gần đây (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Đang xuất hiện một thế hệ trí thức gốc Việt trẻ tài năng, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới...
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng bà con kiều bào, với truyền thống "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", đã quyên góp được gần 70 tỉ đồng và nhiều hiện vật hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở trong nước và giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị.
Trong 5 năm triển khai Chỉ thị 45-CT/TW, chủ trương "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" đã đi vào cuộc sống. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho kiều bào. Việc phát huy nguồn lực của kiều bào được chú trọng, đặc biệt đã bắt đầu khai thông tiềm năng nguồn lực kiều bào trẻ. Cơ chế phản hồi đối với những góp ý, sáng kiến của kiều bào bước đầu được thiết lập. Công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc đã đạt được những kết quả tích cực.
Các chính sách về bảo hộ công dân được triển khai quyết liệt thời gian qua cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã tổ chức 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn những mặt hạn chế như việc ban hành một số chính sách, quy định, hướng dẫn còn chậm; triển khai một số chính sách, biện pháp chưa đồng bộ, kịp thời; kết quả vận động, thu hút nguồn lực kiều bào chưa tương xứng với tiềm năng… Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đất nước bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ đối ngoại sẽ ngày càng nặng nề hơn. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn.
Một gian trưng bày của doanh nghiệp Việt kiều bên lề hội nghị - Ảnh: Dương Ngọc
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận sâu một số nội dung về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45-CT/TW và Nghị quyết 36-CT/TW của Bộ Chính trị; làm rõ vai trò kết nối, gắn kết kiều bào với quê hương; kiến nghị biện pháp khả thi để sửa đổi, bổ sung quy định, tạo thuận lợi hơn cho kiều bào, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài.
Song song với việc thảo luận về hoàn thiện quan điểm chỉ đạo và cơ chế chính sách, Hội nghị cũng cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kiều bào trong điều kiện mới, từ đó đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia ở các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn kỹ về việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các cơ chế về tập hợp, lắng nghe và phản hồi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và hoạch định chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới…
"Một vấn đề nổi lên thời gian qua là các cơ quan tham mưu trực tiếp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã ký kết nhiều thoả thuận, chương trình phối hợp công tác. Tuy nhiên, một số thoả thuận mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa có nhiều nội dung cụ thể về phối hợp đôn đốc, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Hội nghị cần bàn và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn các thỏa thuận, chương trình phối hợp công tác liên ngành trong thời gian tới"- Phó Thủ tướng nêu.
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2015, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò, vị thế và uy tín của kiều bào ngày càng được nâng cao.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tính đến tháng 10-2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,6 tỉ USD. Trong 5 năm, từ 2015-2019, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỉ USD.
Kiều bào mong có chính sách thông thoáng hơn liên quan đến quốc tịch
Tại hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW và phát triển đất nước trong tình hình mới" chiều 26-11, các kiều bào đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết như: Kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi để trí thức kiều bào tham gia hợp tác, phát triển khoa học công nghệ; dạy và học tiếng Việt; đề xuất các mô hình tăng trưởng và thu hút nhân tài trong thời kỳ bình thường mới;…
Nhiều đại biểu khẳng định những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nói chung và những chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của kiều bào như đầu tư, thu hút FDI, hồi hương, mua nhà ở Việt Nam, chính sách cho nhà khoa học kiều bào về nước làm việc... đã tạo niềm tin cũng như những thuận lợi cho các thế hệ kiều bào muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Ngày càng nhiều trí thức, doanh nhân muốn về Việt Nam làm việc và cống hiến.
Bên cạnh đó, ý kiến kiều bào cũng cho biết vẫn còn một số hạn chế và khó khăn như: Thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa thống nhất, việc phát huy nguồn lực của kiều bào còn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu vẫn là kiều hối, đầu tư ở một số ngành trong nước...
Các đại biểu kiều bào mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách mới, chia sẻ thông tin hai chiều, có chính sách thông thoáng hơn nữa liên quan đến quốc tịch, thu hút đầu tư, mở doanh nghiệp...
Các kiều bào đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới, đưa ra nhiều kiến nghị: Đề xuất chuyển dịch cơ cấu GDP và xuất nhập khẩu theo hướng tập trung vào thị trường nội địa, thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn, thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Bình luận (0)