Sáng 13-9, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13.9.1913-13.9.2023).
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học quân sự tài năng. Ảnh tư liệu
Một trong 11 vị tướng đầu tiên
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành ĐBSCL; Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân gia đình Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ… gửi hoa chúc mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước và lòng nhân ái.
Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Khi lên 5 tuổi, học ở trường làng, Phạm Quang Lễ đã học rất giỏi. Năm lên 7 tuổi, cha của ông bị bệnh qua đời, cảnh nhà nghèo thiếu thốn, nhưng Phạm Quang Lễ vẫn được mẹ và chị tạo điều kiện để tiếp tục theo đuổi việc học.
Các đại biểu dâng hương tại Khu lưu niệm và đọc sách tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Năm 1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học và thi đỗ vào Trường ĐH Quốc gia Cầu đường Paris. Quá trình học tập nơi xứ người, ngoài chương trình học trên lớp, người thanh niên yêu nước còn nỗ lực nghiên cứu, học thêm về chế tạo vũ khí và hàng không quân sự. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Quang Lễ đã được giữ lại làm việc tại Pháp và Đức.
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cập bến Ngự - Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8 mm, Bazooka, SKZ…
Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và ông cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)…
"Ông Phật làm súng"
Những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, phát biểu tại buổi lễ
Dưới sự chỉ đạo của ông, những sản phẩm của ngành Quân giới Việt Nam, đặc biệt là súng Bazooka, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn của địch trên ra đa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm
Với những đóng góp to lớn cho ngành Quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa danh hiệu "Ông Phật làm súng". Ngày 9-8-1997, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa lâm bệnh và qua đời.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhấn mạnh: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về người con ưu tú - Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện những lời dặn dò chân tình, quý báu của ông lúc sinh thời, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội".
Chương trình nghệ thuật chào mừng
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long tỏ lòng mãi mãi biết ơn công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nguyện noi gương ông và các vị cách mạng tiền bối ra sức học tập, sáng tạo trong công tác, lao động, góp phần vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Bình luận (0)