Tối 14-10 (giờ Việt Nam), lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao đã tổ chức "Hội nghị Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội nghị Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ở đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam
Đóng góp lớn của các Lãnh sự danh dự
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì, với sự tham dự của 13 Đại sứ, 25 Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, 15 ứng viên Lãnh sự danh dự và các cán bộ của 67 Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài (gần 150 điểm cầu ở nước ngoài), đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan đánh giá thời gian qua, các Lãnh sự danh dự hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Nước tiếp nhận, tích cực bảo hộ công dân, cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục... của nước tiếp nhận cũng như quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Một số Lãnh sự danh dự có thành tích tiêu biểu đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương hữu nghị như Tổng Lãnh sự danh dự tại Busan (Hàn Quốc), Tổng Lãnh sự danh dự tại Gwangju (Hàn Quốc), Lãnh sự danh dự tại Anvers (Bỉ). Ngoài ra, rất nhiều Lãnh sự danh dự khác cũng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo hộ công dân và thúc đẩy quan hệ song phương như Lãnh sự danh dự tại Torino (Ý), Cộng hòa Síp, New Caledonia, Colombia, Nepal, Sudan, Lebanon, Cộng hòa Bờ Biển Ngà...
Hội nghị Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ở đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều Lãnh sự danh dự đã tham gia hỗ trợ, bảo hộ công dân. Cụ thể: Cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, chính sách y tế của sở tại; đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp đảm bảo y tế, an ninh cho công dân Việt Nam; hỗ trợ đăng ký tiêm vắc-xin, khám chữa bệnh; giúp đỡ, cưu mang công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, tham gia hỗ trợ công tác tổ chức chuyến bay giải cứu công dân (giải đáp thông tin về chuyến bay, tập hợp nhu cầu, phỏng vấn các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ việc tổ chức chuyến bay...), là đầu mối triển khai trao tặng khẩu trang của Chính phủ ta cho cộng đồng người Việt ở sở tại.
Việt Nam cần kịp thời nắm bắt cơ hội
Tại phần thảo luận, Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 6 Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài: Lãnh sự danh dự tại bang Zug (Thụy Sĩ) Philipp Rösler (nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức), tại Bengaluru (Ấn Độ) Nama Subbiah Setty Srinivasa Murthy, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) Ali Tezolmez, tại Guadalajara (Mexico) Miguel Angel Landeros Volquart, tại Cộng hòa Sudan Bakri Yousif Omer Osman và tại Sevilla (Tây Ban Nha) Pablo Rafael Gomez Falcon.
Chia sẻ kinh nghiệm về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Philipp Rösler đánh giá Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng kinh tế xuất sắc trước cuộc khủng hoảng toàn cầu và nhận định Việt Nam cần kịp thời nắm bắt cơ hội trong giai đoạn này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đi tắt đón đầu về công nghệ và phát triển bền vững, hai xu hướng chính của nền kinh tế toàn cầu.
Các diễn giả ở các đầu cầu ở nước ngoài đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam
Các diễn giả Lãnh sự danh dự khác chia sẻ ý kiến về các lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Việt Nam và nước tiếp nhận, về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Việt Nam và đề xuất việc Việt Nam và nước tiếp nhận có thể trở thành cầu nối giao thương ở khu vực.
Mở rộng hơn nữa mạng lưới Lãnh sự danh dự
Các diễn giả ở các đầu cầu ở nước ngoài đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, Hội nghị đã lắng nghe chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu; Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ và Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Nguyễn Nam Tiến. Các Đại sứ đều khẳng định vai trò quan trọng của các Lãnh sự danh dự, tính hiệu quả của mô hình này, coi Lãnh sự danh dự là "cánh tay nối dài" giúp Cơ quan đại diện hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân.
Đại sứ Nguyễn Nam Tiến nhấn mạnh việc phát triển hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Châu Phi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng – nơi Việt Nam có quan hệ ngoại giao và quan hệ "Bạn bè truyền thống" với 54 trên tổng số 55 quốc gia nhưng hiện tại chỉ có 8 Cơ quan đại diện thường trú, kiêm nhiệm nhiều quốc gia trong khu vực; phần lớn Cơ quan đại diện tại Châu Phi có cơ cấu gọn nhẹ chỉ từ 3-4 biên chế. Các Đại sứ cho rằng cần ưu tiên bổ nhiệm những ứng viên có tình cảm với Việt Nam, làm việc có trách nhiệm, và trên hết phải có uy tín cao trong xã hội, nắm vững luật pháp, phong tục, tập quán và có quan hệ tốt với chính quyền sở tại. Ngoài ra, công tác thông tin liên lạc cũng cần được chú trọng.
Tham gia thảo luận còn có 7 diễn giả là các Lãnh sự danh dự tại Nagoya (Nhật Bản) Nagato Natsume, tại Anvers (Vương quốc Bỉ) Joseph-Michel de Grand Ry, tại Cộng hòa Síp Georgios Christofides, tại Uganda Mulenga Augustus Ceasor, tại Cộng hòa Bờ Biển Ngà Nguyễn Lệ Uyên Phương, tại Torino (Ý) Sandra Maria Scagliotti và tại Marseilles (Cộng hòa Pháp) Nguyễn Công Tốt.
Các Lãnh sự danh đã đóng góp ý kiến cởi mở, chân thành, thực chất và nêu một số sáng kiến nhằm mở rộng và tăng cường hiệu quả của hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài. Các Lãnh sự danh dự cũng thảo luận cách thức, cơ chế phối hợp hiệu quả thời gian tới như lập nhóm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm (có thể theo từng khu vực); tổ chức họp trực tuyến định kỳ; tổ chức Hội nghị Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài hàng năm... Một số Lãnh sự danh dự trình bày những lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy thời gian tới của mình (văn hóa, giáo dục, thương mại, đầu tư...) hoặc chia sẻ những khó khăn trong quá trình hoạt động và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa mạng lưới Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài với phương châm hiệu quả, ổn định, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, phù hợp đặc thù của từng địa bàn.
Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của các nước nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về Lãnh sự danh dự. Bộ Ngoại giao phối hợp với các Cơ quan đại diện và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị có sự tham gia của các Lãnh sự danh dự (trực tiếp hoặc kết hợp với trực tuyến). Thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng giao nhiệm vụ cho Các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài căn cứ nhu cầu thực tiễn để tìm kiếm ứng viên Lãnh sự danh dự phù hợp, chú trọng lựa chọn ứng viên có uy tín trong xã hội, có quan hệ tốt với chính quyền sở tại, cộng đồng doanh nghiệp, có khả năng tài chính để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển cũng như thực hiện tốt công tác lãnh sự và bảo hộ công dân tại địa bàn.
Kết quả Hội nghị là cơ sở để Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại và các mục tiêu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục hậu Covid-19, triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân.
Các lãnh sự danh dự, họ là ai?
Lãnh sự danh dự là một chế định tương đối đặc biệt trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, được các nước sử dụng khá phổ biến, được ghi nhận trong Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ lãnh sự.
Pháp luật Việt Nam quy định Lãnh sự danh dự (bao gồm Tổng Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự) là viên chức lãnh sự không chuyên nghiệp, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm và chấm dứt hoạt động. Đặc thù của Lãnh sự danh dự là không phải là công chức của Nước cử hoặc bất cứ nước nào, tự thu xếp các chi phí liên quan đến trụ sở, phương tiện hoạt động của mình mà Nước cử không phải đảm bảo kinh phí. Lãnh sự danh dự là những người có uy tín trong xã hội, có khả năng tài chính, có quan hệ tốt với chính quyền sở tại, có hiểu biết về Việt Nam và nước tiếp nhận; chủ yếu có chức năng cung cấp thông tin, bảo hộ công dân, thúc đẩy quan hệ song phương.
Kể từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã bổ nhiệm 44 Lãnh sự danh dự Việt Nam tại khắp các châu lục, trong đó có 32 Lãnh sự danh dự đang hoạt động. Ngoài ra, hiện có khoảng gần 20 ứng viên có nguyện vọng làm Lãnh sự danh dự cho Việt Nam.
Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa nước cử và nước tiếp nhận.
Bình luận (0)