Ngày 2-1, UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết bên cạnh kết quả đạt được, TP còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung nỗ lực, khắc phục cải thiện.
Cụ thể, ngoài chỉ tiêu sẽ đánh giá vào năm 2018 là chỉ số cải cách hành chính, 2 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm nội địa GRDP và thành lập mới doanh nghiệp. Cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị ngày 2-1-2018
Vì vây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng năm 2018, TP sẽ tập trung cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, gắn với việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Qua đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Kế đến, tập trung phát triển một số kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Ngoài ra, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch UBND TP chia sẻ thêm hiện UBND TP đang chuẩn bị cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, đến cuối tháng 3 và tháng 6 quỹ thời gian tối đa phải tập trung xử lý 21 đề án triển khai cơ chế đặc thù.
Chưa nói các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, riêng các chương trình môi trường, ngập nước, hạ tầng giao thông, thì đến năm 2020 sợ bộ tính toán cần 850.000 tỉ đồng, mà ngân sách huy động chỉ có thể đáp ứng 30% nên phải huy động nguồn lực từ bên ngoài.
Đặc biệt, trong cơ cấu chi ngân sách, thu từ sự nghiệp kinh tế rất cao, đòi hỏi chính quyền phải hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho sản xuất phát triển. Do đó, bài toán đặt ra cho quá trình điều hành là năm 2018 thu ngân sách 376.780 tỉ đồng - tức một ngày (trừ ngày chủ nhật) phải thu hơn 1.200 tỉ đồng.
Bình luận (0)