xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản "bắt tay" trực tuyến

D.Ngọc

(NLĐO)- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản trải qua gần 5 thập kỷ ngày càng phát triển, trở thành những người bạn tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần "trái tim tới trái tim".

Chiều 3-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản bắt tay trực tuyến - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn "bắt tay" trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu khi đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Nhật Bản khẳng định tiếp tục hỗ trợ

Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 3 năm qua, hai bên đã khai thác tốt tiềm năng hợp tác, tận dụng cơ hội và vượt qua nhiều thách thức, nhất là phối hợp ứng phó với Covid-19, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác trên các trụ cột vì hòa bình, thịnh vượng, với nhiều kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn phối hợp với ASEAN triển khai hiệu quả Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 về hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên cơ sở AOIP bằng các dự án hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Moteghi khẳng định, là người bạn của ASEAN, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, cung cấp vật tư y tế, thuốc men, vắc-xin và hệ thống bảo quản lạnh, hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch và triển khai Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản bắt tay trực tuyến - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì hội nghị với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Các nước cam kết sẽ triển khai các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm tại Nhật Bản năm 2023. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao Nhật Bản luôn là đối tác thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu của ASEAN.

ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Nhật Bản đối với các nỗ lực ứng phó Covid-19 ngay từ khi mới bùng phát, trong đó có việc Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và nhất là tài trợ 50 triệu USD giúp thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Các nước ASEAN và Nhật Bản nhất trí thời gian tới tiếp tục phối hợp ứng phó đại dịch Covid-19, hỗ trợ khắc phục các tác động và thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững. ASEAN đề nghị Nhật Bản giúp bảo đảm cung ứng vắc-xin đồng đều, hiệu quả, hỗ trợ Trung tâm ACPHEED hoạt động bền vững; hỗ trợ phục hồi bền vững, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Mê Kông.

Ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, tiếp tục đề cao các giá trị và nguyên tắc chung về quan hệ bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, tin cậy, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm định hướng quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và hạn chế nguy cơ tiềm ẩn. Hội nghị nhất trí cần phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn và còn diễn biến phức tạp, đáng quan ngại, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay.

Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nhật Bản cũng chia sẻ thêm về diễn biến tình hình trên Biển Hoa Đông.

Chia sẻ ý kiến các nước tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về vấn đề Biển Đông và đề nghị Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác, an ninh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã chuyển giao cho Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan cương vị điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2021-2024.

Ngoại trưởng Mỹ họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông

Sáng 3-8, Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP) lần thứ hai theo hình thức trực tuyến đã diễn ra với sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn. Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông: Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng thư ký ASEAN.

Ngoại trưởng Mỹ họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Hội nghị đánh dấu một năm Hợp tác sáng kiến hạ nguồn Mê Kông (LMI) được nâng cấp lên Quan hệ đối tác nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững khu vực, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Mê Kông trong và sau đại dịch Covid-19. Các Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các nước Mê Kông trong cuộc chiến chống Covid-19, và ghi nhận những kết quả mà MUSP đạt được trong các lĩnh vực hợp tác như quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng cơ sở, và kết nối khu vực.

Về định hướng hợp tác giai đoạn tới, các Bộ trưởng nhận định, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, ưu tiên hàng đầu là ứng phó hiệu quả đối với dịch bệnh, bảo đảm tiếp cận vắc-xin kịp thời, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, MUSP cần tích cực đóng góp và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực; hỗ trợ việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Khung phục hồi tổng thể ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển; và tăng cường gắn kết với các khuôn khổ hợp tác Mê Kông hiện có như Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS).

Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023, trong đó ưu tiên triển khai các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực sau:

Về liên kết kinh tế: Xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, giao thông; năng lượng sạch và tái tạo; phát triển nông nghiệp; hỗ trợ các các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy các liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng tiểu vùng; và phát triển cơ sở hạ tầng số và nền kinh tế số;

Về quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường: Phối hợp hiệu quả, khoa học trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên tại lưu vực sông Mê Kông; tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mê Kông (MRC); nâng cao năng lực của các nước Mê Kông trong bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mê Kông.

Về An ninh phi truyền thống: Thúc đẩy hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia; an ninh y tế, an ninh mạng; hỗ trợ nhân đạo; và tăng cường khả năng ứng phó trước thảm họa, thiên tai.

Về Phát triển nguồn nhân lực: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục; đào tạo nghề; trao quyền cho phụ nữ và thanh niên; bình đẳng giới; và tăng cường hợp tác đại học, đào tạo nghề và các chương trình trao đổi sinh viên.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác với các đối tác vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mê Kông; hoan nghênh MUSP tích cực hỗ trợ các nước Mê Kông ứng phó với đại dịch, thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bộ trưởng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu là những vấn đề cấp bách, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững và bao trùm của tiểu vùng Mê Kông, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hợp tác của các nước Mê Kông, ASEAN và các đối tác.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp:

Nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19, đẩy mạnh hợp tác về chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc-xin chất lượng cao và tăng cường hệ thống y tế công cộng nhằm nâng cao năng lực ứng phó các thách thức về y tế. Nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng của lưu vực sông Mê Kông trước biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Mở rộng hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, năng lượng sạch và tái tạo; khuyến khích mô hình hợp tác ba, bốn bên. Đề xuất Chương trình lãnh đạo cấp cao Mê Kông - Mỹ nhằm tăng cường đối thoại, tư vấn chính sách phục vụ phát triển bền vững tại khu vực Mê Kông.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được Bộ trưởng các nước đánh giá cao; các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam được các nước hoan nghênh và thể hiện trong văn kiện của Hội nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo