Chiều 21-3, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ Y tế đã họp thông báo về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9 và các giải pháp phòng chống.
Thạc sĩ Phạm Hùng – Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng cho biết dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc, từ tháng 10/2016 tới nay có dấu hiệu tăng mạnh tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 498 ca mắc tại 14 tỉnh. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc ghi nhận 487 ca mắc, trong đó 99 ca tử vong. Trong 2 tuần trở lại đây có xu hướng giảm song chưa ổn định.
Bộ Y tế cung cấp thông tin về tình hình cúm A/H7N9 cho báo chí
Dịch cúm A/H7N9 chủ yếu tập trung tại phía Nam Trung Quốc trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây hiện đang xảy ra dịch. Đây là 2 tỉnh có chung biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao khi hiện tượng gia cầm nhập lậu vẫn chưa xử lý triệt để tại cửa khẩu 2 nước Trung Quốc và Campuchia.
Đến nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người nhưng có thể sẽ bùng phát nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh.
Cũng theo ông Hùng, rất khó phát hiện gia cầm nhiễm virus A/H7N9 bởi gia cầm nhiễm virus không có dấu hiệu của bệnh, không ốm, không chết. Nhưng khi con người tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh có nguy cơ nhiễm và dấu hiệu bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới suy hô hấp và tử vong. Ghi nhận cho thấy, tỷ lệ ca mắc cúm có tiền sử tiếp xúc với gia cầm là 91%.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)