Sau Lễ đón chính thức ngày 1-3 tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản đã trao các tặng phẩm.
Nguồn tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết tặng phẩm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân là một tấm hình của Nhà vua và Hoàng hậu có chữ ký của hai người trong một khung bằng bạc với biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản.
Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu trao tặng phẩm tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân - Ảnh: TTXVN
Nhà vua và Hoàng hậu tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang một chiếc bình bạc với biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản; tặng Phu nhân Chủ tịch nước một chiếc túi xách làm từ vải truyền thống Nhật Bản gọi là Saga Nishiki. Saga Nishiki là một loại vải truyền thống được làm thủ công được dệt công phu từ giấy Nhật Bản cắt nhỏ bọc bằng vàng, bạc, sợi dọc sơn mài và sợi ngang nhuộm.
Ngài Hatsuhisa Takashima - Thư ký Báo chí của Nhà vua, Người Phát ngôn của Nhật Hoàng - cũng chia sẻ về 2 trong số những tặng phẩm Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tặng Nhật hoàng và Hoàng hậu. Đó là một bức tượng Phật bằng bạc cỡ nhỏ và một tác phẩm điêu khắc bằng bạc do nghệ nhân Việt Nam chế tác.
Thông tin từ phía Việt Nam cho biết món quà của Chủ tịch nước là tượng Adiđà bằng bạc, phiên bản Bảo vật quốc gia - tượng Adida tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Tượng Adiđà là tác phẩm mỹ thuật Phật giáo cổ xưa nhất, gắn liền với vùng đất linh thiêng Phật tích và đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Vị phật Adiđà cũng gần gũi với các quốc gia Đông Á như Nhật Bản.
Tượng Adiđà thời Lý (niên đại 1057) được là một tác phẩm nghệ thuật đạt chuẩn mực về điêu khắc tượng Việt Nam từ trước đến nay. Bức tượng có đường nét tinh xảo, mềm mại, tỉ mỉ và sống động. Đây còn được gọi là pho tượng Hoàng gia bởi sự xuất hiện hơn 40 đôi rồng với nhiều hình dáng chuyển động khác nhau, cho thấy sự hiện diện của vương quyền, điều duy nhất nhà Lý đạt được.
Phiên bản tượng Adiđà được các nghệ nhân chế tác bằng Bạc nguyên chất, nguyên khối, cao 24 cm, nặng hơn 4 kg, phần mặt, cổ, tai, bàn tay và đôi sư tử chi tiết trên tượng được mạ vàng 24 k, tượng được đặt trên đế gỗ trắc cao 5,5 cm, thông tin song ngữ (Việt – Nhật) được khắc xung quanh. Toàn bộ món quà tặng và khối đế nặng gần 10 kg.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đang có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28-2 đến ngày 5-3 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân.
Theo quy định Hiến pháp Nhật Bản, Nhà vua là biểu tượng của tình đoàn kết, của sự thống nhất của người dân Nhật. Chuyến thăm của Nhà vua tới Việt Nam lần này không có mục đích về mặt chính trị, ngoại giao mà tập trung vào phát triển sự thiện chí mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, nâng cao sự hiểu biết giữa người dân hai nước cũng như thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản.
Lễ đón chính thức Nhà vua do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 1-3, trước khi Chủ tịch nước và Phu nhân hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu. Cùng ngày 1-3, Nhà vua và Hoàng hậu đã tới đặt vòng hoa, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự Quốc yến do Chủ tịch nước và Phu nhân chủ trì.
Hôm nay 2-3, Nhà vua và Hoàng hậu giao lưu với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Nhật Bản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gặp cộng đồng người Nhật tại Việt Nam, gặp gia đình các cựu binh Nhật đang sống tại Việt Nam; thăm Bảo tàng Sinh học, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.
Sáng 3-3, Nhà vua và Hoàng hậu dự tiệc trà do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì. Chiều 3-3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ rời Hà Nội đến Huế, thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường; thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu; gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam…
Bình luận (0)