Để ngăn chặn, đẩy lùi, làm chậm tốc độ hành tiến của binh đoàn chủ lực Quân giải phóng, tạo thêm thời gian cho việc điều nghiên, bố trí lực lượng và thế trận phản công giành lại thế chủ động trên chiến trường, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ, quân lực Việt Nam Cộng hòa huy động hầu hết lực lượng còn lại kết hợp với các đơn vị thu dung quân thất trận từ Tây Nguyên và miền Trung chạy vào, nhanh chóng thiết lập nên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó, Xuân Lộc được xác định là điểm trọng yếu - "cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn.
Xuân Lộc là một vị trí chiến lược trọng yếu trên chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, cách Sài Gòn 80km theo hướng Đông, án ngữ Quốc lộ 1 và 20 - những tuyến cơ động chủ yếu vào Sài Gòn. Chính diện tuyến phòng ngự Xuân Lộc khoảng 40km, kéo dài từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Long Khánh đến ngã ba Tân Phong. Nơi đây có nhiều núi cao, rừng già che phủ, địa thế rất hiểm yếu cho hoạt động quân sự: "Tiến có thế công, thoái có thế thủ". Cũng cần nhớ thêm rằng, tại khu vực Xuân Lộc - Long Khánh, dưới thời Pháp thuộc, cùng với việc đầu tư vốn vào các đồn điền cao su để thu lợi, chúng đã thiết lập một hệ thống đồn bốt phòng thủ rất vững chắc không chỉ để bảo vệ nguồn lợi tại chỗ mà còn nhằm để bảo vệ hậu cứ chiến lược Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ xa.

Quân giải phóng phát triển tiến công đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18 ngụy trong
Tất thảy những diễn biến tư tưởng của những người đang đứng bên kia chiến tuyến đều đặt hy vọng cuối cùng vào Xuân Lộc. Bởi, giá trị của Xuân Lộc không chỉ đơn thuần là ở địa thế chiến lược đối với phần đất còn lại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mà quan trọng nữa chính là sư đoàn 18 - một biểu tượng sức mạnh còn lại - con "át chủ bài" canh giữ cửa "cấm thành" Sài Gòn - Gia Định của chúng. Và với ta, Xuân Lộc đã thực sự là vấn đề chiến lược liên quan trực tiếp đến thời gian, tốc độ của những chiến dịch kế tiếp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà trực tiếp nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhạy bén nắm bắt diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: "... Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi lực lượng đông đủ mới làm ăn", Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc, nhằm: Tiêu diệt sư đoàn 18, phá thế phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa của quân đội Sài Gòn; cắt giao thông, tạo thế và mở đường cho chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Quân đoàn 4 là đơn vị chủ lực của chính đất miền Đông Nam Bộ, nên sau khi nhận được mệnh lệnh chiến đấu, việc tập kết lực lượng và triển khai thế trận tiến công diễn ra thuận lợi; duy chỉ có kế hoạch cơ động pháo vào gần để bắn thẳng chi viện trực tiếp cho bộ binh xung phong là rất khó khăn, bởi hầu hết các điểm cao khống chế khu vực địa bàn chiến dịch đã hoàn toàn do địch chiếm giữ. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, bàn thảo, Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn quyết định chọn phương án tiến công chính diện vào đội hình phòng ngự của địch ở thị xã Long Khánh.
Đúng như kế hoạch hiệp đồng, sáng 9 tháng 4, với đợt hỏa lực chuẩn bị bắn cấp tập vào những mục tiêu trọng yếu trong thị xã, chiến dịch tiến công Xuân Lộc chính thức mở màn. Tuy bị địch dồn sức chống trả quyết liệt các hướng, mũi tiến công và gây cho ta những tổn thất nhất định, nhưng kết thúc ngày đầu chiến dịch, ta đã đánh chiếm được toàn bộ khu hành chính, cơ bản làm chủ được một nửa thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào ém sát các mục tiêu trong lòng địch.
Chiến sự ở Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt và đã gây tổn thất lớn cho cả ta và địch. Quyết “tử thủ” Xuân Lộc, ngày 12-4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc: Đổ lữ đoàn 1 dù xuống chốt tại ngã ba Tân Phong; đồng thời, nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã: Đưa lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122; đưa trung đoàn 8, sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá; lệnh cho các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất tập trung 80 lần chiếc máy bay chiến đấu mỗi ngày trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích. Chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng địch ở Xuân Lộc - Long Khánh đã gia tăng đột biến: Chiếm 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết số lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.
Vậy là, tương quan lực lượng giữa ta và địch ở Xuân Lộc đã thay đổi lớn, đẩy cuộc chiến vào tình thế hết sức cam go, ác liệt. Tuy đã chiếm được một số mục tiêu quan trọng, tiêu hao được một phần lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch, giữ được địa bàn đứng chân trong lòng địch, nhưng ta cũng bị tổn thất rất nghiêm trọng. Phương án tiến công chính diện đã không mang lại kết quả như mong muốn, ngày 13-4, Bộ chỉ huy chiến dịch buộc phải tạm thời ngừng tiến công, lệnh cho mỗi sư đoàn chỉ để một bộ phận lực lượng ở lại kiềm chế, nghi binh địch, còn đại bộ phận nhanh chóng rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị thực hiện phương án tác chiến mới.
Thấy bộ đội ta rút khỏi thị xã, chỉ huy quân địch cho rằng sức mạnh và ý chí tiến công của "Việt Cộng" đã bị đè bẹp, sức chiến đấu của chúng đã được phục hồi, niềm hy vọng vào khả năng giữ được chế độ lại chợt "lóe" lên trong tâm tưởng của giới cầm quyền chóp bu chính phủ và quân đội Sài Gòn. Nhưng rồi chỉ 2 ngày sau đó - rạng sáng 15-4, khi hỏa lực pháo binh chiến dịch tiến hành tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 có sự tăng cường của Trung đoàn 95B đã tiến công diệt chiến đoàn 52, 1 tiểu đoàn pháo, 1 chi đoàn thiết giáp, chiếm giữ chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1 (đoạn Xuân Lộc đến Bàu Cá) và đường 20 (đoạn Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây), tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh - khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch.
Trước hiểm họa tồn vong của chế độ như "ngàn cân treo trên sợi tóc", từ ngày 16-4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn khẩn cấp đưa lữ đoàn 3 thiết giáp, trung đoàn 8, sư đoàn 5; huy động hơn 100 khẩu pháo cỡ lớn ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay chiến đấu chi viện mỗi ngày, mở cuộc phản kích quy mô lớn, quyết chiếm lại Dầu Giây. Và, Dầu Giây bỗng chốc trở thành điểm quyết chiến khốc liệt nhất trong cuộc đọ sức giữa ta và địch tại Xuân Lộc. Tổn thất của cả hai bên tiếp tục tăng lên mỗi ngày, song bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững mục tiêu. Cùng thời gian này, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 tiếp tục tiến công, đánh bại các chiến đoàn 43 và 48, tiêu hao nặng lữ đoàn 1 dù của địch; Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tiến công Hưng Nghĩa và điểm cao 122, đẩy quân địch xuống Bàu Cá. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của chủ lực, bộ đội địa phương và du kích nhanh chóng tiêu diệt, bức hàng, bức rút hệ thống đồn bốt địch ở dọc các trục giao thông bao quanh thị xã.
Khi chiến sự ở Xuân Lộc còn đang diễn ra trong thế giằng co, thì cánh quân duyên hải, nòng cốt là Binh đoàn Hương Giang, sau khi đập tan "lá chắn Phan Rang", giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân đã tiến vào khu vực Rừng Lá. Sức mạnh của một binh đoàn chiến lược thọc sâu vừa đánh tan những tập đoàn cứ điểm phòng thủ mạnh nhất của quân đội Sài Gòn ở Huế, Đà Nẵng, rồi Phan Rang như được nhân lên gấp bội, không chỉ góp phần cô lập trực tiếp đối với quân địch ở Xuân Lộc, mà còn tạo sức ép mạnh đối với toàn bộ quân địch còn lại ở miền Nam. Nhận thấy không thể đủ sức giành lại Dầu Giây - chiếc "then" của "cánh cửa thép" không còn, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn xuống lệnh rút khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Theo đó, vào lúc 22 giờ ngày 20-4, lợi dụng lúc trời mưa lớn, theo tỉnh lộ 2, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng do chủ quan, mất cảnh giác, chậm phát hiện được hành động của địch, nên ta chỉ kịp chặn đánh được bộ phận rút quân sau cùng của chúng.
Ngày 21-4-1975, Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã mở toang. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.
Sự kiện Xuân Lộc diễn ra cách nay đã 37 năm và đã có nhiều cuốn sách và công trình khoa học nghiên cứu dưới những góc độ, cách nhìn nhận khác nhau; song điều khẳng định là việc chọn địa bàn và thời điểm mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc - Long Khánh là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và rất kịp thời trong thời điểm lịch sử chuyển biến hết sức mau lẹ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Giá trị của chiến thắng Xuân Lộc không chỉ dừng lại ở chỗ mở thông cửa ngõ phía Đông cho các binh đoàn cơ động chiến lược Quân giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn, tạo chấn động mạnh đến cả hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp bao quanh cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng như những phần đất còn lại của chúng; mà hơn thế, thắng lợi này đã tạo nên một địa bàn hội quân, tập kết lực lượng - bàn đạp xuất phát tiến công của cánh quân hướng Đông - một trong 5 mũi chủ lực cơ động của đội hình chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Cần phải nói thêm rằng, chiến công cùng những tổn thất xương máu cần thiết, những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công được rút ra từ Xuân Lộc thực sự cũng là động lực hối thúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ cánh quân hướng Đông có thêm sức mạnh và ý chí quyết chiến quyết thắng khi bước vào cuộc tiến công chiến lược cuối cùng, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Chỉ với những nét khái quát như vậy cũng đủ khẳng định rằng: Chiến dịch tiến công Xuân Lộc (từ 9 đến 21-4-1975) thực sự là bước đà trực tiếp, hữu hiệu cho cánh quân hướng Đông nói riêng, cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 đến 30-4-1975), giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung.
Bình luận (0)