Sáng 17-7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: thực trạng, giải pháp và vấn đề đặt ra hiện nay ở các tỉnh phía Nam.
Kiêm nhiệm còn nhiều
Phát biểu thảo luận tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư cho biết nhận thức nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Đảng bộ là làm sáng tỏ toàn bộ quá trình hình thành, phát triển của tổ chức Đảng và những hoạt động toàn diện của Đảng bộ; đồng thời giáo dục niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã được khẳng định và ngày càng sâu sắc, trở thành nhiệm vụ chung của toàn Đảng, các cấp, các ngành.
Theo bà Thư, số lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản tăng lên, chất lượng các bản thảo được đảm bảo. Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, TP đã biên soạn và xuất bản 331 công trình Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, kỷ yếu và các chuyên đề lịch sử của địa phương.
"Chất lượng các bản thảo đã được các cấp ủy đảng coi trọng ngay từ khâu tổ chức lấy tư liệu đến khâu biên soạn và thẩm định công trình, đánh giá một cách khách quan nên những công trình trước khi xuất bản ít sai sót, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đón nhận. Từ những giá trị khoa học và thực tiễn các công trình nghiên cứu lịch sử đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nâng cao lòng tin yêu đối với Đảng, góp phần đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch muốn gây chia rẽ, làm giảm uy tín của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay" – bà Thư khẳng định.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Thân Thị Thư phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phan Anh)
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
Đó là một số bản thảo lịch sử còn hạn chế, còn mang tính liệt kê sự kiện; tính khái quát, tổng kết lịch sử, thực tiễn chưa cao và chưa tương xứng với một công trình khoa học lịch sử. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng còn mỏng về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu ngày càng đa dạng về nội dung, sâu sắc về vấn đề. Hiện nay, 24/24 quận huyện chuyên viên kiêm nhiệm, phần lớn không được đào tạo chuyên ngành lịch sử Đảng.
Nâng chất lượng nghiên cứu, biên soạn
Trước những tồn tại trên, bà Thư kiến nghị Ban Chủ nhiệm đề án tổng kết Chỉ thị 15 nghiên cứu, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do ban hành chỉ thị mới theo bà Thư là trong giai đoạn hiện nay, công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng, toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
"Tôi nghĩ rằng trong thời điểm hiện nay, có một việc rất đặc biệt cần hết sức quan tâm đó là tổng kết thực tiễn để giáo dục truyền thống", bà Thư nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo bà Thư chất lượng khoa học, hiệu quả giáo dục và vận dụng vào thực tiễn của các công trình nghiên cứu chưa cao, còn nặng về mô tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết. Việc tổ chức học tập, phát huy tác dụng các công trình Lịch sử Đảng chưa đi vào nền nếp, có khi bị lãng quên, nhất là bộ máy làm công tác này có nhiều thay đổi, ngày càng giảm về số lượng.
"Lý do nữa rất cần quan tâm đặc biệt, đó là hiện nay đối với xu hướng xét lại lịch sử, xét lại nhân vật. Tôi thấy biểu hiện ngày càng đậm. Về lịch sử, tôi nghĩ khi thế hệ sau có tư liệu toàn diện, chân xác hơn thì nhận thức về lịch sử có bước phát triển mới. Đó là yêu cầu của xã hội, của khoa học, là việc bình thường đáng trân trọng của các nhà sử học chân chính. Nhưng lại có người lợi dụng điều này, lớn tiếng đòi xét lại, viết lại lịch sử với những động cơ không minh bạch" - bà Thư nêu quan điểm.
Theo bà Thư, với mức độ, tốc độ lan truyền thông tin vừa nhanh vừa rộng, sự đa dạng thông tin như hiện nay thì việc này gây tác hại rất lớn. Những vấn đề lịch sử khi mà "nghi nghi ngờ ngờ" thì nó tác dụng rất lớn trong việc chúng ta đang giáo dục truyền thống.
Ngoài ra, bà Thư cũng đề xuất Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng kịp thời có những luận giải, giải đáp. Nếu không thông qua kênh thông tin báo chí thì thông qua kênh nội bộ các vấn đề liên quan đến các sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng và nhân vật lịch sử còn nhiều ý kiến để giúp các địa phương phản bác một cách kịp thời, hiệu quả với những luận điểm sai trái, thù địch, xét lại lịch sử hiện nay.
Đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức các cấp ủy về công tác lịch sử Đảng của Đảng bộ TP đã được nâng lên một bước.
Các Đảng bộ, cơ quan, cơ quan đơn vị đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị mình; thu hút các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia.
Những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu trong 15 năm qua trên địa bàn TP đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng nói chung và Đảng bộ địa phương nói riêng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ địa phương.
Theo ông Cang, việc biên soạn và tổng kết Lịch sử Đảng không chỉ giáo dục nhân dân về quá trình phát triển của Đảng mà còn đóng góp lớn hơn là giáo dục ngay chính đội ngũ cán bộ đương chức, đội ngũ lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể về các bài học, kinh nghiệm, phương pháp trong các thời kỳ cách mạng… giúp đội ngũ cán bộ hiện tại có nhiều tư duy hơn, suy nghĩ ý thức trách nhiệm hơn vào quá trình đổi mới trong công tác xây dựng đất nước, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Đối với Đảng bộ TP HCM là những bài học về việc triển khai học tập và làm theo Bác Hồ, bài học xây dựng Đảng ngay những ngày đầu TP được giải phóng; về chính sách đột phá, đổi mới góp phần cùng Trung ương xây dựng đường lối kinh tế đất nước…
Bình luận (0)