Theo báo cáo của UBND TP HCM, kinh tế TP duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách; giai đoạn 2011 - 2016, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) ước tăng bình quân 7,83%/năm; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 8,36%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 6.065USD, cao gấp 2,34 lần so với cả nước (2.587 USD), ước đến năm 2020 đạt 7.500 USD cao gấp 1,8 lần so với năm 2011 (4.157 USD) và gấp 1,35 lần so với năm 2016 (5.573 USD)…
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, TP HCM triển khai hiệu quả Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Đồng thời, TP cũng tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Tập trung nguồn lực phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái… TP cũng đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hùng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước, là đầu kéo của nền kinh tế của cả nước. Cụ thể, Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ đóng góp một tỉ lệ rất lớn về tăng trưởng; dân số trên 20 triệu người, trong đó hơn 11 triệu lao động, năng suất lao động của vùng gấp 1,8 lần bình quân cả nước, GDP gấp 1,75 lần bình quân cả nước và chiếm một tỉ lệ rất cao trong tổng GDP cả nước; nông nghiệp chỉ còn 6%, rất thấp; số lượng doanh nghiệp chiếm tỉ lệ cao của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương Vùng kinh tế Đông Nam Bộ cần làm rõ những nét nổi bật về kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong 5 năm qua. Đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, những thành công, những hiệu quả, vướng mắc, nút thắt, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết hiện nay đối với khu vực. Cùng với đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Với TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ việc phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết với những ý kiến của địa phương tại buổi làm việc, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổng hợp, phân tính, đánh giá cùng với tình hình cả nước để xây dựng báo cáo chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận (0)