Sáng 26-7, Bình Dương tổ chức lễ truy điệu, an táng 42 liệt sĩ chưa rõ danh tánh tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Bến Cát. Những hài cốt liệt sĩ trên vừa được tìm thấy ở xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Hay tin, nhiều người từ Thái Bình, Đồng Nai, TP HCM đã tới nghĩa trang với hy vọng tìm được người thân của mình trong số 42 liệt sĩ vừa quy tập.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ truy điệu
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ung Thị Nừng rải hoa lên huyệt mộ liệt sĩ
Bà Nguyễn Thị Thúy Hải (62 tuổi) chia sẻ: "Tôi vừa vào từ Thái Bình. Tôi hy vọng trong 42 hài cốt mà Bình Dương vừa tìm được có anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Kháng (SN 1952, thuộc sư Đoàn 9 của Quân Đoàn 4). Nhiều năm rồi chúng tôi tìm anh mà không thấy. Trước khi mất, cụ nhà tôi dặn dò phải tìm được anh để đưa về quê".
Bà Nguyễn Thị Thúy Hải mang di ảnh của anh ruột từ Thái Bình vào Bình Dương. Bà hy vọng tìm thấy hài cốt anh trai trong số 42 hài cốt mà Bình Dương vừa quy tập
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (bìa trái) cũng mong mỏi tìm thấy người anh ruột của mình trong số những hài cốt vừa quy tập
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cũng đến nghĩa trang với hy vọng tìm ra manh mối anh trai là liệt sĩ Nguyễn Đức Bảo, hy sinh tháng 6-1974 trong chiến dịch đường 7 tại khu vực An Điền (thuộc Bến Cát – Bình Dương).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Thu chia sẻ: "Bao nhiêu năm qua gia đình tôi tìm hài cốt của anh tôi mà không được. Vừa rồi đọc báo mới hay tin Bình Dương tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh ở vùng An Điền. Tôi cũng hy vọng qua giám định AND trong những hài cốt vừa tìm thấy có anh trai tôi. Nghe nói một số hài cốt liệt sĩ đã tan vào đất nên việc giám định rất khó khăn. Dù sao tôi vẫn nuôi hy vọng tìm được anh mình".
Lãnh đạo Quân Đoàn 4 trước mộ phần đồng đội
Lãnh đạo Quân Đoàn 4 cho biết qua thông tin nhân chứng, hồ sơ lưu trữ Quân Đoàn xác định những hài cốt tìm thấy thuộc sư đoàn 7, sư đoàn 9 đã hy sinh ở khu vực An Điền – Bến Cát trong thời gian chiến đấu ác liệt vào khoảng năm 1972-1974.
Sau lễ truy điệu, Quân Đoàn kết hợp cơ quan chức năng cố gắng xác định danh tính và tìm thân nhân cho liệt sĩ.
Như đã thông tin, trước đó, ông Đặng Văn Hoàng (58 tuổi, sống tại xã An Tây) cho cơ quan chức năng biết năm 1975, ông vào khu rừng gần nhà và phát hiện nơi đây có khoảng 100 ngôi mộ lạ, nghi là mộ liệt sĩ. Qua thời gian, khu rừng này bị san lấp trồng điều, cao su rồi ủi đi mở KCN. Khu vực phát hiện mộ, doanh nghiệp đã xây tường rào bao quanh nhưng chưa xây nhà xưởng.
Ông Đặng Văn Hoàng (bìa phải) là người vẽ sơ đồ tìm ra khu mộ trong phần đất KCN
Các huyệt mộ được chôn thành hàng như khu nghĩa trang bị vùi lấp trong lòng đất
Cái hài cốt được bao bọc bằng tăng, võng của chiến sĩ
Sau 10 ngày tìm kiếm, đến ngày 14-7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đã tìm thấy huyệt mộ đầu tiên. Ghi nhận tại tại hiện trường, mỗi hài cốt nằm trong một huyệt mộ riêng. Các huyệt mộ này nằm thẳng hàng, cách đều nhau, giống như một khu nghĩa trang. Toàn bộ khu vực này bị san lấp, hài cốt nằm sâu trong lòng đất 2-3m.
Ngay cả trong mưa, lực lượng tìm kiếm vẫn làm việc khẩn trương, cố gắng không bỏ sót một mảnh xương cốt nào của liệt sĩ
Một chiếc ví tìm thấy trong huyệt mộ có in dòng chữ "Cục Bách Hóa"
Một chiếc nhẫn bạc tìm thấy trong huyệt mộ. Đây là nhẫn nữ.
Mỗi bộ hài cốt đều được bao bọc bởi tấm tăng, võng của các chiến sĩ. Nhiều huyệt mộ còn phát hiện các di vật như ví, nhẫn… Có huyệt mộ còn phát hiện lọ chai chứa mảnh giấy được cho là ghi tên tuổi đơn vị của chiến sĩ nhưng mực đã phai màu.
Bình luận (0)