Sáng 29-12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có buổi làm việc tại TP HCM về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 3 và 4 với sự tham gia của các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương liên quan.
Khẳng định vai trò huyết mạch của đường Vành đai 3 và 4, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo đó, đối với đường Vành đai 3, Phó thủ tướng thống nhất giao UBND TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì trình dự án, cố gắng đẩy nhanh tiến độ, trình Quốc hội trong năm 2022. Về nguồn vốn cho dự án này sẽ sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương với tỉ lệ nhất định. "Các địa phương phải rà soát lại tổng mức đầu tư, xây dựng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đoạn nào có thể kêu gọi vốn xã hội hóa theo hình thức PPP, đoạn nào đầu tư 100% vốn ngân sách" - ông Lê văn Thành yêu cầu.
Đối với đường Vành đai 4, Phó Thủ tướng thống nhất giao các địa phương có đoạn tuyến đi qua là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và sử dụng 1 phần vốn ngân sách.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương đẩy nhanh đường Vành đai 3 và 4
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin về tiến độ dự án Vành đai 3
Tuyến Vành đai 3 đoạn qua Tân Vạn - Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương) Ảnh: Hoàng Triều
Về việc các địa phương đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh cho đường Vành đai 3, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng rất khó vì nguồn vốn quá lớn, chưa kể những dự án đưa vào chương trình trên là dự án cấp bách, sau 2 năm phải có phúc lợi kinh tế. Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định cần sớm thực hiện dự án này vì tính cấp thiết, tạo động lực phát triển cho TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường Vành đai 3 dài gần 90km đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Giai đoạn 1 của dự án Vành đai 3 sẽ giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe, xây dựng trước 4 làn và đường song hành 2 bên với mức đầu tư 83.290 tỉ đồng. Vừa qua, cả 4 tỉnh, thành có dự án đi qua đều khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án trong giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên việc đầu tư Vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP) hay hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) rất khó, chưa kể sử dụng vốn ngân sách của các địa phương để giải phóng mặt bằng càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để dự án khả thi, 4 địa phương thống nhất đề xuất hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh. Trường hợp vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, các địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB khoảng 46.971 tỉ đồng. Riêng phần xây lắp các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Bình luận (0)