Chiều 21-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Trình bày tờ trình tóm tắt về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập chương trình từ năm 2022 trở đi cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Bên cạnh đó, việc đưa các dự án vào chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan. Không giao quá 3 dự án cho một cơ quan chủ trì hoặc cơ quan thẩm tra trong 1 kỳ họp Quốc hội; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, cần chú trọng tính gối đầu của chương trình để sắp xếp số lượng luật cho phù hợp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nêu rõ không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật.
"Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong quá trình thực hiện" - ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân quan tâm, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp.
"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Thảo luận về chương trình dự kiến, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đề cập đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Tám cho rằng dự án này đã được đưa vào chương trình khoá XIV, nhưng sau đó lại được điều chỉnh, xin lùi nhiều lần và đến nay vẫn chưa sửa đổi.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cũng đồng tình với việc đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đại biểu Thân, việc sửa đổi Luật Đất đai là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, của cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là người dân.
"Dự án Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến nhiều vấn đề như giá đất, bồi thường, tái định cư hay quản lý đất đai như thế nào để không lãng phí. Quốc hội khoá XIV cũng đã bàn, đưa vào chương trình nhưng cuối cùng không xây dựng"- đại biểu Lê Xuân Thân nói và cho rằng cần có sự quyết tâm, giao cho Chính phủ, các bộ ngành để ban hành được dự án luật này.
Theo dự kiến Chương trình năm 2022, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022): Thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022): thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 2 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).
Bình luận (0)