Sáng 4-8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp định kỳ về kinh tế - xã hội trên địa bàn 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2022.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp kinh tế - xã hội định kỳ
Quy trình nội bộ "phải hỏi ý kiến lòng vòng"
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện chưa hiệu quả, còn nhiều việc phải bàn.
"Hiện nay chúng ta hỏi ý kiến rất nhiều, chúng tôi cũng phải trả lời các sở khác. Việc này rất mất thời gian" – Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ trăn trở.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng muốn giải quyết nhanh hồ sơ thì cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành. Ông cũng đề xuất Thường trực UBND TP HCM cho chủ trương một lần rồi thực hiện.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ than quy trình nội bộ "phải hỏi lòng vòng"
Theo Giám đốc Sở Công Thương, dù ngân sách đã được giao nhưng không có chủ trương thì không thể sử dụng, không triển khai được. Chưa kể, khi hỏi ý kiến các sở, ngành khác mà chậm trả lời cũng không làm được.
"TP HCM đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thì hồ sơ phải giải quyết nhanh và kịp thời. Trong quy trình xử lý nội bộ phải chuẩn bị tương thích với chủ trương để đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp" – ông Bùi Tá Hoàng Vũ bày tỏ.
Trước đó, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cũng cho rằng cần tháo gỡ quy trình phối hợp nội bộ giữa các sở, ngành dù quy trình cải cách hành chính, công nghệ đã có đầy đủ.
Để tránh tình trạng hỏi ý kiến nhiều lần, ông Trần Quang Lâm đề nghị nâng chất lượng tham gia ý kiến, bởi hiện nay có tình trạng sở ngành trả lời xong vẫn rất khó để tham mưu UBND TP HCM.
Quy hoạch đã lạc hậu
Báo cáo về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết quy hoạch của địa phương đã được phủ kín từ những năm 2012-2013, dựa trên quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010.
Quy hoạch 1/2.000 được phủ kín là cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, thu hồi đất...
Tuy nhiên, quy hoạch này được xây dựng cách đây hơn 10 năm, có sự khác biệt về hoàn cảnh, nhận thức, trình độ phát triển so với thời điểm hiện tại. Những khác biệt này hiện nay đang thể hiện rõ nhiều bất cập, lạc hậu.
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết quy hoạch hiện nay có nhiều bất cập
Điển hình như bất cập về chức năng sử dụng đất. Việc này người dân than phiền rất nhiều trong thời gian qua. Do đất công không thể đủ cho tất cả chức năng đô thị như công viên, trường học, không gian công cộng nên một số công trình buộc phải quy hoạch vào phần đất của người dân.
Bất cập tiếp theo liên quan đến quan điểm phát triển đô thị thời điểm hình thành quy hoạch chung so với hiện nay. Thời điểm đó, TP HCM phát triển đô thị theo hướng thận trọng, chưa dám bung tỏa, đầu tư mạnh hay có các dự án đột phá ra khu vực ven thành phố.
"Việc lập quy hoạch vẫn dựa vào ranh từng quận, huyện, mang tính co cụm từng địa phương, cục bộ, phân bố hạ tầng kỹ thuật theo chỉ tiêu. Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh, chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh" – Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Nhã cũng nêu thực trạng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thường yêu cầu xem xét lại chức năng các khu đất, mong muốn nâng chỉ tiêu quy hoạch cao hơn. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, đường xá giao thông, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư tương xứng.
Do đó, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề nghị các địa phương rà soát lại quy hoạch để tăng thêm đường sá, công viên, không gian công cộng. Chỉ khi được đầu tư đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật liên quan, thành phố mới có thể nâng chỉ tiêu quy hoạch và tăng phát triển đô thị.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, công tác lập quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2015 thì điều chỉnh quy hoạch chung còn chậm, chưa đạt tiến độ. Dự kiến đến tháng 10-2023, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ trình UBND thành phố phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM. Sau đó, phương án này sẽ cần gửi tới Bộ Xây dựng để xin ý kiến.
Bình luận (0)