Sáng 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vào tháng 5-2022.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước, đề nghị Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, song vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết.
Về nội dung, tiếp thu đề nghị của Chính phủ, rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3.
Về đề nghị của Chính phủ bổ sung một số nội dung vào chương trình, UBTVQH đã thống nhất không ban hành Nghị quyết riêng về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, UBTVQH đã quyết định chưa xem xét việc bổ sung vào Chương trình năm 2022 để Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thí điểm thích hợp.
Đáng chú ý, có 2 dự án quan trọng quốc gia là đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến đã được bố trí vào chương trình để Quốc hội xem xét.
Đối với việc xem xét Báo cáo về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trong đó cần báo cáo rõ phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định để hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh.
Chương trình kỳ họp thứ 3 đã bố trí thời gian để Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo này. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý khai mạc kỳ họp ngày 23-5, bế mạc ngày 20-6-2022.
Đường vành đai 3 có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Đường Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76,34 km (TP HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỉ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỉ cho cho xây dựng và thiết bị.
Các địa phương nơi dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất. Khi dự án này được đầu tư, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 640 ha, trong đó diện tích đất chiếm dụng ở TP HCM lớn nhất với hơn 408 ha.
TP HCM đang làm thủ tục báo cáo, trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương chuyển đổi gần 17 ha diện tích đất rừng để thực hiện dự án. Theo tiến độ dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022, hoàn thành vào quý II/2024.
Đáng chú ý, việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành được tiến hành từ năm 2023 đến 2026. Dự kiến khởi công quý IV/2023, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026 và quyết toán vào năm 2027.
Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025), điều chuyển số vốn hơn 17.000 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương; sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện dự án.
Để tạo thuận lợi trong triển khai đầu tư, Chính phủ đề xuất chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. UBND TP HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua.
Dự án đường vành đai 3 TP HCM được kỳ vọng góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, không chỉ của TP HCM mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng và cả nước.
Đường vành đai 3 TP HCM giúp tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP HCM, góp phần mở rộng không gian phát triển mới; đồng thời, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông thành phố, khu vực và áp lực cho giao thông nội đô cũng như các tuyến đường hiện hữu.
Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Về cơ chế chỉ định thầu, cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần.
Bình luận (0)