Chiều nay, 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Góp ý dự thảo luật tại tổ Hải Phòng, Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói: "Tôi phải nói rất là chân thành rằng công an chúng ta phải công khai, minh bạch tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn, đây là nguyên tắc quan trọng, như các đồng chí nói công an vừa là hành pháp, vừa là tư pháp".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) - Ảnh: Thế Dũng
Thủ tướng cho biết công an phải công khai, minh bạch, sát dân gần dân nói thì dễ nhưng không phải dễ.
"Đừng để dân sợ công an, dân hiện nay còn sợ lắm. Cái này chúng ta phải sửa từ phong cách, cách làm nhưng điều quan trọng đặc biệt là từ luật pháp phải yêu cầu người chiến sĩ công an nhân dân phải sát dân, sát cơ sở, gần dân phục vụ nhân dân. Công khai minh bạch, sát dân, gần cơ sở để người dân yêu mến là điều rất quan trọng trong tổ chức quản lý, trong xây dựng lực lượng, cơ sở vững mạnh toàn diện. Tất nhiên vừa rồi, lực lượng công an đã đạt nhiều thành tích" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, trụ cột trong an ninh, an toàn hiện nay là ngành công an như trong chiến tranh thì bộ đội đóng vai trò rất quan trọng. Tất nhiên hiện nay hay thời nào cũng có vai trò quan trọng của bộ đội cụ Hồ trong nhân dân.
"Để làm sao xã hội của chúng ta an toàn hơn. Chúng ta phải nhận thấy có trách nhiệm, có khuyết điểm, có cái chưa được trong nhiều khía cạnh, từ điều tra vụ án đến vấn đề xâm hại trẻ em, an toàn giao thông... Phát triển kinh tế - xã hội phải song hành với an toàn của người dân, chia sẻ đồng hành với lo lắng của người dân"- Thủ tướng lưu ý.
Một nội dung quan trọng theo Thủ tướng là cả nước có trên 11.000 xã, phường, thị trấn thì nếu mà hiện đại hóa hết cơ sở công an thì không có đủ nguồn kinh phí. Cho nên phải lựa chọn các thị trấn hay là những phường, xã trọng điểm… và phải có lộ trình từng bước.
Làm rõ thêm dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết nhiệm vụ của lực lượng công an so với 10 năm trước đây nặng nề hơn rất nhiều. Tội phạm phức tạp, số lượng tội quy định trong Bộ Luật Hình sự cũng tăng lên; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và quá trình điều tra, xử lý của lực lượng công an cũng đòi hỏi nhiều quy định hơn… Điển hình như vừa qua nảy sinh những vụ án mạng mà tỉ lệ giữa những người thân trong gia đình, người cùng thôn xóm... gây án rất lớn, rất đau xót.
Bộ trưởng công an cho rằng xã hội phát triển nhưng tội phạm không giảm đi, do đó pháp luật phải điều chỉnh để ngăn ngừa, đấu tranh. Phải đối mặt với vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm không còn trong phạm vi một quốc gia mà tính quốc tế lớn, như tội phạm khủng bố, buôn bán ma tuý, buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia; vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng; vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật còn kém…
Trước thực tế này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật Công an nhân dân không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng công an và sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó.
"Vừa qua Nghị quyết Trung ương nêu rõ là sự chuyển biến quan trọng trong bộ máy tổ chức của lực lượng công an. Khẩu hiệu của chúng tôi là "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", bám cơ sở tức là bám vào dân" – Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.
Theo đó, chuyển biến lớn nhất là bố trí công an cấp xã chính quy. Có những xã biên giới hàng trăm km vuông, dân đông đúc; rồi xã giáp ranh, xã biên giới còn phức tạp hơn phường rất nhiều.
"Chúng tôi nghe những tiếng kêu thấu lòng từ người dân, có những việc họ không được giải quyết một cách căn cơ. Bố trí công an chính quy xuống xã là để giải quyết những vấn đề đó" - ông Tô Lâm bộc bạch.
Bộ trưởng Tô Lâm phân tích dự thảo luật quy định lực lượng ở bộ chỉ 15% biên chế, còn 85% là ở địa phương. Nhiệm vụ của bộ hướng dẫn, kiểm tra là chính, giảm làm trực tiếp. Hiện đang xảy ra tình trạng bộ điều tra rồi TAND cấp tỉnh xử lý, rất bất cập trong cải cách tư pháp, đòi hỏi cần đồng bộ hơn.
Clip Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) - Video: Thế Dũng
Đáng chú ý, đối với quy định cấp bậc hàm cấp tướng, Bộ trưởng Công an khẳng định dự thảo luật cũng không làm thay đổi cơ cấu.
"Trước đây các vị đại biểu Quốc hội cứ nói sao mà tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong Công an nhân dân là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá. Mà phải đủ tiêu chuẩn. Ví dụ đối với bộ trưởng phải lên thượng tướng 4 năm rồi mới được đại tướng. 6 thứ trưởng là 6 thượng tướng, chúng rôi ghi rõ trong luật rồi. Nhưng không phải cứ thứ trưởng là lên thượng tướng, hiện nay có đồng chí thứ trưởng là trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn" – Bộ trưởng Công an nói.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng những cục đặc biệt mà gộp 5-6 cục thì cục trưởng phải được trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 cục, nếu bố trí tất cả cục trưởng và giám đốc công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200.
Còn nếu đề nghị giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I mang cấp bậc hàm cấp tướng thì cũng chỉ hơn chục người. Bộ trưởng nêu một bất cập nữa là nếu giám đốc công an tỉnh chỉ đại tá mà được quy hoạch thứ trưởng thì không thể lên thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm.
"Nếu đúng đề xuất như chúng tôi thì thuận lợi, còn nếu không rất bất cập, rất khó trong luân chuyển cán bộ. Số giám đốc công an địa phương rất vất vả, chúng tôi muốn cơ cấu nhiệm vụ anh em tăng, "tỉnh mạnh" thì chính sách cũng phải phù hợp" – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Về điểm mới của dự thảo luật là bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và quy định cục đặc biệt thuộc Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng bày tỏ sự băn khoăn và băn khoăn cục đặc biệt là nằm trên tổng cục, dưới Bộ Công an hay ngang bộ. Chức năng, vị trí, vai trò của cục đặc biệt thế nào, trong luật chưa thấy bóng dáng?
"Tôi cố gắng đọc báo cáo đánh giá tác động để tìm vị trí của cục này mà chưa thấy. Tôi không phải không ủng hộ có cục đặc biệt, nhưng ít nhất cho tôi thông tin nó là cái gì, vị trí của nó đến đâu. Tại sao trước đây Chính phủ chỉ quy định đến Bộ Công an, giờ phải quy định cục đặc biệt? Bộ Công an làm rõ để tránh hiểu nhầm "cục đặc biệt có phải là biến tướng của tổng cục. Xóa được 6 tổng cục thì lại mọc lên mấy cục đặc biệt"- ông Hồng nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua nhiều cuộc tiếp xúc thì cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân.
"Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta cũng phải nên có lý giải" – bà Lê Thị Nga thẳng thắn.
Bà Nga cũng thông tin qua tiếp xúc với một số người làm ở những vị trí này thì có ý kiến nói không nhất thiết hàm cấp tướng nhưng cần chính sách phù hợp. Với cấp tỉnh thì cũng cần cân nhắc địa bàn phức tạp, nơi có số lượng quân lớn để thể hiện đó là tướng cầm quân./.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định công an xã, thị trấn theo hướng chính quy. Hiện nay, có 1.065 đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy. Số đơn vị công an xã, thị trấn chưa được bố trí công an chính quy còn 8.516.
"Để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã"- Bộ trưởng nói và cho hay, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết uỷ ban này tán thành chính quy công an xã, thị trấn, tuy nhiên đề nghị bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa 2 luật.
Bình luận (0)