Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 14-11-2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10-2011.
Trước đó, chiều 31-3-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Thủ tướng Olaf Scholz và Chính phủ mới được bầu của Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tái cử nhiệm kỳ 2 và những thành công gần đây của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trên chính trường Đức.
Thủ tướng Olaf Scholz chúc mừng thành công của Việt Nam trong phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế và khẳng định sự coi trọng của Đức đối với mối quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác chính trị song phương và tại các diễn đàn quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có phát huy thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy các dự án của Đức ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Olaf Scholz trao đổi về mục tiêu của Đức tiếp tục là nền kinh tế hàng đầu và đạt trung hòa khí thải carbon vào năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sự coi trọng đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư đề nghị hai nước tăng cường quan hệ chính trị trong đó có việc trao đổi đoàn, nhất là cấp cao, thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị ở Đức, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền; đề nghị nâng cao hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, quốc phòng, an ninh lên tầm cao mới, thực sự đúng tầm quan hệ đối tác chiến lược, tận dụng cơ hội mở ra từ EVFTA và cùng với đó là hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước cùng coi trọng là tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, phòng, chống dịch COVID-19, giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tổng Bí thư cũng đề nghị Chính phủ Đức tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc của người Việt Nam tại Đức.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975. Hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 10-2011.
Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thập niên vừa qua đã được triển khai hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương.
Hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu khi Đức là đối tác thương mại số một của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.
Các lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, hợp tác phát triển với 3 trọng tâm là năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và dạy nghề đều đạt được nhiều thành tựu lớn. Trong đại dịch COVID-19, việc Đức viện trợ gần 3,5 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác cho Việt Nam là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước đang ngày càng phát triển.
Trong bối cảnh chiến lược toàn cầu với nhiều biến động lớn sau 10 năm, hai nước tiếp tục chia sẻ những lợi ích chung về tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Đối với Đức, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được triển khai trên ba trụ cột: Thịnh vượng; bền vững; và an ninh. Phía Đức cảm ơn hành động hỗ trợ khẩu trang kịp thời của Việt Nam cho Đức vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và cho biết phía Đức sẽ không quên nghĩa cử cao đẹp đó.
Bình luận (0)