Tối 11-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự lễ khai trương Không gian Văn hóa hữu nghị Việt - Nhật tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Đây là hoạt động nhằm tôn vinh và duy trì mối quan hệ truyền thống bền vững giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, bắt đầu từ cảng thị Hội An hơn 400 năm trước cho đến ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay chào hỏi đại diện lãnh đạo tỉnh Nagasaki - Nhật Bản
Sự kiện đã tái hiện không gian văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm sự giao lưu văn hóa giữa 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Từ sáng 11-11, trên tuyến đường đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu, cảnh sinh hoạt của người dân Hội An của thế kỷ XVII được tái hiện sinh động với những gian hàng bày bán lồng đèn, làm tò he, gánh hàng hoa, hàng bán xí mà, đậu hũ và các cửa hàng nghề truyền thống như tơ lụa, thêu trên vải, đèn lồng, thủ công mỹ nghệ, điêu khắc mộc, vẽ tranh sơn dầu...
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Không gian Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản bao gồm các hoạt động trưng bày, trình diễn, giao lưu nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của hai dân tộc, đặc biệt là mô hình Châu ấn thuyền.
Không gian này sẽ được duy trì thường xuyên, trở thành biểu tượng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu dài và bền vững của hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Đồng thời, đây sẽ là sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc đối với du khách khi đến Hội An.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên đường đến tham quan Chùa Cầu
Sau khi thực hiện nghi thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Shinzo Abe cùng tham quan mô hình Châu ấn thuyền do tỉnh Nagasaki - Nhật Bản vừa trao tặng tỉnh Quảng Nam trước đó một ngày. Đây là con thuyền được các thương nhân Nagasaki sử dụng để qua lại, buôn bán tại thương cảng Hội An cách đây hơn 400 năm và cũng là con thuyền đã đưa Công nữ Ngọc Hoa theo chồng - thương nhân Araki Sotaro - về Nagasaki.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã đến thăm Chùa Cầu (còn được gọi là cầu Nhật Bản) - cây cầu được xem là biểu tượng của TP Hội An. Sở dĩ có tên gọi cầu Nhật Bản là vì chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII.
Cảnh tái hiện đám cưới thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa hơn 400 năm trước
Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Năm 1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.
Bình luận (0)