Chiều 18-10, tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết buổi gặp mặt hôm nay trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 ở nước ta đã từng bước được kiểm soát, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, nơi tâm dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh gần 2 năm qua, cả dân tộc đã dần dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường. Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát trong đợt dịch lần thứ 4 và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, cả nước đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước; không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go.
"Chúng ta tự hào về những điều này. Đúng như câu tục ngữ "Sinh ra trong cõi hồng trần - Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu" - Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đánh giá cao đội ngũ y bác sĩ đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, nhất là giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vắc-xin còn ít. Họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch. Đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên Thứ Bảy, Chủ Nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Nhưng đổi lại, họ cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh…
"Chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi. Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân"- Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các y bác sĩ
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.
Theo đó, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24.000 người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi.
Hơn 24.000 người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Như câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM…
"Nhân dịp này, tôi cũng chia sẻ, đánh giá cao và cảm ơn người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình"- Thủ tướng Phạm Minh Chính trải lòng.
Thủ tướng đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch
Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để thực hiện thành công chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn. Đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả. Vì vậy, đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sĩ, nhân viên y tế.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin an toàn, khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, không gây phiền hà cho nhân dân, xây dựng kế hoạch cho thời gian sắp tới, chuẩn bị vắc-xin cho năm 2022 và tiêm vắc-xin cho trẻ em, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước, chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế có đề án xây dựng ngành "COVID học".
Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 138 thầy thuốc tiêu biểu, xuất sắc
Thủ tướng đề nghị đội ngũ y bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm túc và kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngày càng hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúc các anh chị em y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, thầy thuốc, những chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19, những người gánh vác sứ mệnh cao cả nhưng rất đáng tự hào luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết"- Thủ tướng kết luận.
Nhân dịp này, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành y tế, quân đội và công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Quân đội lập 190 khu cách ly tập trung
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hàng trăm ngàn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
Đại tá Nguyễn Hữu Mỹ
Còn Đại tá Nguyễn Hữu Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), cho hay ngành quân y đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phong, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tổng quân số trên 125.000, trong đó, lực lượng quân y khoảng 6.500 người (tăng cường từ miền Bắc khoảng 4.000 người). Bên cạnh đó có 9 xe xét nghiệm cơ động; 10 máy xét nghiệm SARS-CoV2; 55 xe cứu thương.
Thành lập 12 bệnh viện dã chiến và bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 6.500 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, vừa và nặng, trong đó có 800 giường điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Thành lập 660 tổ quân y lưu động là nòng cốt tại các trạm y tế lưu động để theo dõi, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và tiêm vắc-xin cho nhân dân. Thành lập 1.000 tổ lấy mẫu xét nghiệm; 8 kho bảo quản, cấp phát vắc-xin, 190 khu cách ly tập trung.
Kết quả cụ thể, các bệnh viện đã thu dung 24.500 bệnh nhân Covid-19, điều trị khỏi 22.000 bệnh nhân, đang điều trị 2.000 bệnh nhân.
Các tổ quân y cơ động đã chăm sóc, theo dõi, điều trị khỏi 325.000 bệnh nhân Covid-19, đang theo dõi 8.600 ca. Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 2,1 triệu người; xét nghiệm cho 2,4 triệu người.
Bình luận (0)