Sáng nay 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng và phu nhân đến sân bay quốc tế Kansai, dự Hội nghị G20 - Ảnh: VGP
Tháp tùng Thủ tướng có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tham gia đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Khoảng 14 giờ 50 chiều nay 27-6 (giờ địa phương, tức 12 giờ 50 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Kansai, TP Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản.
Đại diện phía Nhật Bản đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân Thủ tướng và đoàn Việt Nam tại sân bay Kansai - Ảnh: VGP
Trong ngày hôm nay 27-6, Thủ tướng sẽ tiếp một số doanh nghiệp và ngày mai 28-6, Thủ tướng sẽ dự các phiên họp của Hội nghị G20, dự sự kiện bên lề hội nghị; tiếp xúc song phương một số nhà lãnh đạo dự hội nghị; gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội nghị G20 năm nay dự kiến có 4 phiên thảo luận: Phiên 1- Về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư. Phiên 2- Về đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Phiên 3- Về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế. Phiên 4- Về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong xử lý các vấn đề toàn cầu, vì hoà bình, thịnh vượng, cùng phát triển.
Được biết, Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn, chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu.
Với tư cách khách mời, Việt Nam được mời tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của hội nghị và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại hội nghị, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới dự kiến tập trung thảo luận về các vấn đề gồm kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Sự kiện này thu hút sự chú ý khi diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.
Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Đây là hội nghị cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức, đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Reiwa - Lệnh hòa mới bắt đầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm làm việc song phương với Nhật Bản, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA lớn nhất. Chuyến thăm này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, tăng cường sự phối hợp của hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Bình luận (0)