Chiều 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc-xin. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự Hội nghị. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam triển khai chiến lược vắc-xin với ngoại giao vắc-xin là 1 trong 3 trọng tâm (cùng với quỹ vắc-xin; chiến dịch tiêm chủng).
Chiến dịch ngoại giao vắc-xin đã được triển khai quyết liệt, thần tốc, thành công vượt kỳ vọng.
Đến ngày 27-4-2021, Việt Nam mới có 320 ngàn liều vắc-xin viện trợ của COVAX; đến tháng 10-2021, ta đã tiếp nhận trên 97,5 triệu liều; đến hết năm 2021 đã tiếp nhận khoảng 192 triệu liều.
Đến tháng 9-2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều vắc-xin, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc-xin tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 ngàn tỉ đồng).
Hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 ngàn tỉ đồng). Ta đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.
Ta thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là 1 trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA.
Có thể khẳng định chiến dịch ngoại giao vắc-xin đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vắc-xin, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực. Từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao hàng đầu thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Washington D.C. Ảnh: Nhật Bắc
Từ đầu cầu Washington, D.C., Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh chính quyền, giới học giả, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá rất cao, ca ngợi thành tích của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát nhanh dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế nhanh, nhất là khi họ so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Họ cho rằng Việt Nam đã nhanh nhạy chuyển hướng và tiếp cận thực tế các phương pháp ứng phó với COVID-19 và triển khai tiến độ phủ vắc-xin rất hiệu quả.
Thực tế Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vắc-xin, lớn nhất trong các nước được Mỹ viện trợ, cũng là nhiều nhất trong các nước viện trợ vắc-xin cho Việt Nam. Quan trọng hơn là viện trợ vắc-xin của Mỹ đúng vào thời điểm ta rất cần, vào lúc độ phủ vắc-xin của ta đang rất thấp và tình hình diễn biến phức tạp.
Bên cạnh vắc-xin, Mỹ đã viện trợ 111 tủ bảo quản vắc-xin, hệ thống máy thở, hệ thống cung cấp oxy, trang thiết bị y tế, các thiết bị xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19… Các doanh nghiệp, hiệp hội Mỹ viện trợ các thiết bị trên với giá trị nhiều triệu USD. Kiều bào tại Mỹ cũng quyên góp rất nhiều thiết bị hiện đại và chuyển về cho các cơ sở y tế trong nước tại nhiều địa phương.
Tại sao Mỹ lại quan tâm và hỗ trợ ta hiệu quả như vậy, ngay cả trong thời điểm các nước đồng minh của Mỹ có nhu cầu nhận viện trợ rất cao về vắc-xin và trang thiết bị y tế? Theo Đại sứ, có nhiều lý do, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chính.
Trước hết, chúng ta đã có trách nhiệm đóng góp chung với quốc tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị, đồ bảo hộ, khẩu trang cho nhiều nước, trong đó có cả các nước phát triển như Mỹ, đúng vào lúc họ khó khăn về dịch nhất. Đến nay, Mỹ vẫn nhắc lại việc này.
Hai là, chúng ta có sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều thư gửi Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước đã đến thăm trụ sở Công ty Pfizer, Thủ tướng điện đàm trực tiếp với các hãng sinh dược của Mỹ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đã vận động quyết liệt, Tổ công tác của Chính phủ hoạt động sát sao, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động… đã tạo thuận lợi cho việc Mỹ viện trợ vắc-xin cho ta.
Ba là, việc quan tâm hỗ trợ của các Chính phủ với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng để ứng phó với dịch bệnh lúc họ phải dừng sản xuất tại Việt Nam đã dẫn đến sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hiệp hội Mỹ, họ đã đồng hành cùng chúng ta trong vận động vắc-xin, trang thiết bị y tế…
Bốn là quyết tâm của Nhà nước Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con trong cộng đồng Việt kiều tại Mỹ, không chỉ tham gia vận động trong chính quyền Mỹ, bà con còn tham gia quyên góp, hỗ trợ cho đồng bào trong nước.
Năm là sự chủ động, tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tiếp xúc, vận động chính quyền và doanh nghiệp Mỹ.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp của ngành Ngoại giao trong thực hiện ngoại giao vắc-xin, đóng góp vào thành công của chiến lược vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy và mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả.
Thủ tướng nêu 6 nguyên nhân thành công, 6 bài học kinh nghiệm từ ngoại giao vắc-xin, đồng thời nhấn mạnh Tổ chức Y tế thế giới dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, đẩy mạnh tiêm chủng và nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin.
Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp do các biến động kinh tế thế giới. Vừa qua, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có các cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại và đại diện ngoại giao Việt Nam.
Bình luận (0)