Warburg Pincus có trụ sở chính tại New York với hơn 200 chuyên gia đầu tư tại 14 văn phòng tại 10 quốc gia. Kể từ khi thành lập, Warburg Pincus đã huy động được 19 quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư hơn 94 tỉ USD vào hơn 940 công ty tại hơn 40 quốc gia. Hiện nay, Quỹ đang quản lý hơn 64 tỉ USD tài sản vốn cổ phần tư nhân, với danh mục đầu tư hoạt động của hơn 205 công ty trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, tiêu dùng, công nghệ…
Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Kể từ năm 2013, Quỹ đã đầu tư gần 2 tỉ USD để giúp xây dựng và phát triển các công ty hàng đầu Việt Nam, liên doanh với Vingroup, VinaCapital, Techcombank, Becamex, ví điện tử MoMo…; trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm và Metropole Hà Nội (liên doanh với Hanoi Tourist).
Tại buổi gặp, được Thủ tướng đề nghị trao đổi về các vấn đề đặt ra với môi trường kinh doanh của Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ quan tâm tới chính sách giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam; trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam; cùng một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án, trong đó có dự án Hồ Tràm.
Ông cũng cho rằng có 4 vấn đề mà các nhà đầu tư luôn quan tâm: Khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp nội địa; việc ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng; và khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Tập đoàn khẳng định về tổng thể, môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định của Việt Nam thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên có nhiều điểm cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, như về cơ sở hạ tầng.
Cảm ơn các ý kiến, Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về những quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn. Thủ tướng khẳng định tinh thần "Chính phủ hành động", bản thân Thủ tướng từ khi nhậm chức "chưa từ chối một đề nghị đối thoại nào của doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, chưa quên trả lời bất cứ bức thư nào doanh nghiệp gửi tới", ngay cả trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất.
Cho rằng việc mở rộng đầu tư của Warburg Pincus trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là phù hợp và đúng thời điểm, trong đó có dự án Hồ Tràm hết sức tiềm năng, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn nghiên cứu tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và với mạng lưới khách hàng rộng lớn trên thế giới sẽ là cầu nối để đưa các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đến đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, thị trường vốn, chuyển đổi số, năng lượng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung và miền núi phía Bắc, phát triển các dự án hạ tầng chiến lược.
Đề nghị đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp ông Brendan Duval, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Glenfarne chuyên về chuyển đổi năng lượng, thành viên Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế của Mỹ (BCIU).
Trước quan tâm của Glenfarne tới lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, Thủ tướng đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan tới quy hoạch điện VIII đang được xây dựng.
Thủ tướng cho biết quy hoạch điện VIII chưa được ban hành là do phải điều chỉnh nhiều nội dung nhằm triển khai các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải tại Hội nghị COP26.
Phân tích cụ thể hơn về tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn nghiên cứu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam, tránh các khâu trung gian, tránh mất thời gian và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư, chống tiêu cực, tham nhũng.
Những người bạn Mỹ của Việt Nam
Sáng ngày 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông John McAuliff, một người bạn lâu năm, thân thiết của Việt Nam và đại diện những người bạn Mỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Ông John McAuliff và nhóm những người bạn Thủ tướng cuốn sách viết về Ký ức Chiến tranh. Ảnh VGP
Ông đã tới Hà Nội lần đầu ngày 30-4-1975 và từ đó đến nay nhiều lần trở lại thăm Việt Nam.
Từ năm 1975 đến nay, ông thành lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Quỹ Hòa giải và Phát triển (FFRD) để giao lưu học thuật và hoạt động thiện nguyện thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ; đã tổ chức hàng chục đoàn trao đổi học thuật, văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa Mỹ và Việt Nam; tích cực vận động chính quyền Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam…
Ông John McAuliff và những người bạn đã trao đổi về một số hoạt động trong thời gian qua, cũng như một số hoạt động dự kiến trong thời gian tới nhằm kết nối, tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã gặp một số người bạn thân thiết với Việt Nam, đã có đóng góp tích cực, luôn ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh cũng như thời kỳ xây dựng đất nước ngày nay.Tham dự cuộc gặp có bà Merle Ratner và một số đồng sự, là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức vận động cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; ông Jay Johnson, người từng tham gia nhóm quân nhân Mỹ đầu tiên chống lệnh điều động tới chiến trường Việt Nam và bị phạt tù 28 tháng; bà Susan Schnall, từng là y tá Hải quân Mỹ cùng chồng dùng máy bay rải truyền đơn kêu gọi binh lính chống lệnh điều động tới Việt Nam; một số thành viên tích cực của các phong trào cánh tả Mỹ…
Thủ tướng dự lễ khai trương văn phòng FPT tại Mỹ
Sáng ngày 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai trương Văn phòng FPT Software tại New York - thủ phủ kinh tế tài chính, công nghệ lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khai trương Văn phòng FPT Software tại New York - Ảnh VGP
Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện Việt Nam tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, giúp doanh nghiệp trưởng thành, phát triển, góp phần vào sự phát triển của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, trí tuệ Việt Nam ở nước ngoài.
FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) khai trương văn phòng mới tại TP New York nhằm mở rộng cơ hội phát triển, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ công nghệ; triển khai chuyển đổi số cho nhóm doanh nghiệp lớn tại khu vực Đông Bắc Mỹ. Đây là văn phòng thứ 10 của FPT Software tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - và là văn phòng thứ 58 của Công ty trên toàn cầu.
FPT Software tại Mỹ đang cung cấp dịch vụ công nghệ; triển khai chuyển đổi số cho hàng chục doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500 uy tín tại đây.
Tổng Giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn cho biết FPT là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư vào Mỹ ngay từ năm 2000. Đến nay FPT đã có khoảng 500 nhân sự, hoạt động tại trên 20 bang của Mỹ. Hiện, Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của FPT Software, trong năm 2021, doanh thu tại thị trường này tăng trưởng 52% và doanh thu quý 1 năm 2022 tiếp tục tăng trưởng cao, 60% so với cùng kỳ, doanh thu năm nay của Tập đoàn tại Mỹ khoảng 7.000 tỉ đồng. Dự kiến, trong 2 năm tới, Mỹ sẽ vượt thị trường Nhật để trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, góp phần đưa doanh thu của FPT Software đạt mức tỉ USD vào năm 2023.
Năm 2018, FPT Software đạt bước tiến quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa khi thực hiện thương vụ M&A mua lại 90% cổ phần của Intellinet - một trong những công ty tư vấn công nghệ phát triển nhanh nhất ở Mỹ.
Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung xây dựng năng lực tư vấn, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trọn gói dựa trên những nền tảng, xu hướng công nghệ như AI, Big Data, BlockChain, Cloud…; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các văn phòng trên tất cả các châu lục.
Bình luận (0)