Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri
Sáng 18-6, tại huyện Tiên Lãng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV.
Báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu QH tại kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết kỳ họp diễn ra với không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ QH tham luận sang QH tranh luận, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Nhất là, các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này (trong đó, có những dự án luật mới, khó như: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…) đã được thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.
Cử tri huyện Tiên Lãng đánh giá cao sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, QH, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng, đồng thời đồng tình với những quyết sách mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Cử tri cho rằng QH, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của nhân dân đối với Dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và cho lùi thời gian thông qua dự án Luật. Tuy nhiên, lợi dụng dư luận và vấn đề thông qua dự án Luật này, nhiều đối tượng đã có hành vi chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia biểu tình, nhiều đối tượng quá khích đã đập phá, hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho các lực lượng.
Bày tỏ sự bất bình về vấn đề này, cử tri huyện Tiên Lãng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành địa phương xem xét xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi kích động, tham gia kích động, gây rối, phá hoại tài sản nhà nước.
Cử tri có ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm và có nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tập trung rà soát các nội dung còn vướng mắc, bất cập trong Luật đầu tư công, để sớm trình QH sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật, cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho phù hợp thực tiễn.
Một số ý kiến cử tri kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi; triển khai đầu tư thực hiện dự án Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2; xây dựng mới tuyến đường nối quốc lộ 10 và đường ven biển chạy dọc theo sông Văn Úc. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm sớm giải ngân cho TP Hải Phòng Dự án tuyến đường bộ ven biển để có kinh phí giải phóng mặt bằng chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất trong phạm vi thực hiện dự án…
Giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần đổi mới, dân chủ, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm, chân tình trong hoạt động của QH, của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân. Và việc tạm dừng thông qua Luật Đặc khu cũng thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Luật.
Thủ tướng cho biết việc lập đặc khu không phải mới trên thế giới. Nhiều nước đã làm thành công. "Chúng ta muốn tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư phát triển mà 3 đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước"-Thủ tướng nêu rõ.
Đề cập đến vấn đề thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà thời gian qua dư luận quan tâm, Thủ tướng nói rõ thêm, theo dự thảo Luật thì chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai.
"99 năm trong trường hợp nào, là trong trường hợp đặc biệt. Đặc biệt như thế nào, đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó"-Thủ tướng phân tích. Quy trình duyệt công trình đặc biệt như vậy phải hết sức chặt chẽ như trước khi Thủ tướng quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ QH và nhiều cơ quan khác.
Thủ tướng cho biết ngày 7-6, ông đã trả lời báo chí về việc nên rút quy định 99 năm trong dự thảo Luật Đặc khu mà thực hiện như Luật hiện hành và đến ngày 8-6, có thông báo chính thức, Chính phủ trình QH xem xét cho lùi việc thông qua dự thảo Luật này để tiếp tục hoàn thiện. "Như vậy, chúng ta đã tiếp thu rất nghiêm túc"-Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, một số kẻ xấu, phản động đã lợi dụng tình hình, kích động nhân dân, trong đó có việc đập phá, chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông ở một số nơi, làm cho nhân dân hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo Luật về đặc khu và Luật An ninh mạng, một luật mà nhiều nước cũng đã ban hành từ lâu. Luật An ninh mạng đã tiếp thu một vấn đề rất quan trọng là cho phép đặt máy chủ ở nước ngoài, không phải đặt máy chủ trong nước mà chỉ có cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam. Các hành vi trái pháp luật nêu trên đã làm ảnh hưởng đến sự bình yên của Tổ quốc, cuộc sống yên lành của nhân dân và môi trường đầu tư.
Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tốt hơn, "Chúng ta là cơ quan nhà nước, là cán bộ, đảng viên, chúng ta cần nói cho nhân dân rõ, tường tận về luật pháp, nhất là khi chúng ta dừng lại, lắng nghe, tiếp thu là hành động hết sức trách nhiệm của Đảng, Nhà nước".
Bên cạnh đó, phải lập lại trật tự, bảo đảm an ninh an toàn cho xã hội, cho người dân và xử lý nghiêm hành vi vi phạm như ý kiến mà cử tri nêu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường cảnh giác, nắm chắc tình hình để có giải pháp xử lý.
Thủ tướng mong muốn người dân bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ.
Bình luận (0)