Chiều nay 16-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đây là cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh chủng Omicron xuất hiện mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết, do đó kêu gọi cả thế giới tiếp tục cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới có diễn biến phức tạp, nhất là với chủng virus Omicron mà WHO kêu gọi cả thế giới tiếp tục cảnh giác do tốc độ lây lan nhanh, độ nguy hiểm chưa thể đánh giá hết; nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao, .
Về tình hình dịch trong nước, số ca mắc Covid-19, nhất là trong cộng đồng và số ca tử vong vẫn tăng. Đáng nói là y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được quán triệt, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, cho nên khi diễn biến phức tạp sẽ bị lúng túng.
Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần phải tiếp tục bàn, đánh giá trên phạm vi cả nước để đưa ra các giải pháp cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong.
Thủ tướng nhấn mạnh vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Thủ tướng cho rằng hội nghị cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng.
"Còn 14 ngày nữa là hết năm 2021, liệu các tỉnh có hoàn thành được không? Nếu không hoàn thành thì thế nào? Có cần hỗ trợ gì không? Kế hoạch đề ra đến ngày 15-12 là phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hôm nay đã là ngày 16-12 mà chưa hoàn thành?"- Thủ tướng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương cần thống kê chi tiêu cho phòng, chống dịch năm nay để tính toán, dự trù nguồn lực phòng, chống dịch cho năm 2022, tránh bị động, lúng túng, bất ngờ.
"Vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các tỉnh nên đánh giá đúng tình hình một cách thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, đề xuất thẳng thắn; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vắc-xin vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vắc-xin hoặc chống chỉ định tiêm vắc-xin"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình và diễn biến dịch bệnh
Thay mặt Ban Chỉ đạo, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 15-12, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (72,8%), 28.500 ca tử vong.
Trong tuần (9 đến 15-12), cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%.
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%. Còn so với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%; số ca khỏi bệnh tăng 187%.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 44 tỉnh, thành phố).
"So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%; số ca tử vong tăng 102,6%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do sau khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; còn biến chủng Omicron khi lan rộng trên thế giới thì có thể sẽ xâm nhập vào nước ta; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng; những người tiêm vắc-xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian; đồng thời những người mới tiêm vắc-xin cần có thời gian để sinh miễn dịch...
Theo Ban Chỉ đạo, tính đến 14-12, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đã phân bổ 103 đợt vắc-xin với tổng số 154 triệu liều. Số vắc-xin này đã đảm bảo đủ để tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, tăng 24 triệu liều so với kế hoạch dự kiến cung ứng cho các tỉnh, thành phố. Còn khoảng 14,8 triệu liều mới tiếp nhận, đang kiểm định chất lượng.
Tổng số vắc-xin dự kiến tiếp nhận đến hết năm khoảng 42,6 triệu liều và quý I/2022 có thêm khoảng 15 triệu liều do Chương trình COVAX Facility viện trợ, đủ để tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi nhắc lại cho 95% người từ 18 tuổi trở lên.
Đến hết 14-12, cả nước đã tiêm được hơn 135 triệu liều vắc-xin, trong đó tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên là hơn 127 triệu liều và đủ 2 liều là 80,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đáng chú ý, hơn 1 triệu liều vắc-xin mũi 3 đã được tiêm cho người dân. Tính trên toàn bộ dân số, đã tiêm được 77% liều mũi 1 và 60% liều mũi 2.
"Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vắc-xin, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Kiến nghị dừng hoạt động tập trung đông người, lễ hội
Về giải pháp chống dịch thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn.
Bộ Y tế lưu ý tăng cường biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú; nâng cao ý thức người dân trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, khẩn trương đẩy nhanh tốc độ tiêm, đảm bảo bao phủ đủ mũi cho người từ 12 tuổi trở lên; đặc biệt lưu ý nhóm thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và nhóm đối tượng có nguy cơ, hoàn thành trong tháng 12-2021.
Đồng thời triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà theo tinh thần một nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 (hoặc nhiều hơn) theo địa bàn khu vực, thực hiện đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ, tỷ lệ đối tượng cần tập trung theo dõi chiếm khoảng 15-25% và ưu tiên quan tâm theo dõi đối tượng này.
Các bệnh viện được quán triệt thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát người bệnh ngay từ khi nhập viện, nhất là đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo tiếp cận thuốc điều trị từ sớm cho người bệnh.
Bình luận (0)