Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP HCM về Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54).
Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất của TP HCM về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54
Theo đó, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất của TP HCM và các bộ, cơ quan đã góp ý về đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Tuy nhiên, trong việc triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát tư tưởng chỉ đạo.
Cụ thể, tập trung trọng điểm, ngắn gọn, súc tích, khả thi, hiệu quả. Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và phương hướng, nhiệm vụ, phát triển TP HCM.
Trong đó, việc triển khai xây dựng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tư duy mạch lạc, rõ ràng. Thể hiện tính đột phá, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giải quyết những vấn đề lớn, vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, tạo động lực mới cho TP HCM phát triển giữ vị trí đầu tàu dẫn dắt cả nước trong đổi mới, năng động, sáng tạo về phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách cần bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của TP HCM mà pháp luật hiện hành chưa quy định hay có quy định mà không phù hợp.
Phát huy nguồn lực về tài chính, tập trung vào những đột phá và mở rộng thực hiện, đầu tư trên các lĩnh vực. Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền hơn cho TP HCM, gắn với phân bố nguồn lực, kiểm tra, giám sát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.
Có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số... Thu hút nguồn nhân lực chất lượng thông qua các chế độ, chính sách thỏa đáng, tương xứng, có tính khuyến khích.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất chủ trương cho TP HCM thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá về phát triển TOD (Transit Oriented Development - là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), thu hút nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Áp dụng hợp đồng BOT đối với một số đường hiện hữu, áp dụng hợp đồng BT cho các lĩnh vực, chính sách đặc thù phát triển Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM.
Triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế...
Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP HCM tiếp thu các ý kiến để khẩn trương rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo sự thống nhất cao, triển khai đúng tiến độ.
Bộ Tư pháp được giao tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết theo quy định; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định, đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
Thường trực Chính phủ cũng giao các Bộ, cơ quan tiếp tục khẩn trương, chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, trọng tâm, trọng điểm giải quyết các điểm nghẽn, tạo không gian phát triển mới cho TP HCM theo đúng định hướng của Bộ Chính trị...
Trước đó, ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP HCM về nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54.
Theo đó, tại Nghị quyết số 31/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31), Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM; Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP HCM hoàn chỉnh đề án ban hành nghị quyết trình Quốc hội.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và TP HCM đã phối hợp xây dựng dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết với mục đích xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81.
Dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể, trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức.
Các cơ chế, chính sách này gồm 4 nhóm: Các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù dành cho các địa phương khác; các cơ chế, chính sách có trong một số dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho thành phố, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Bình luận (0)