Ngày 29-4, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển" nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5.1972 - 1.5.2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nối với 15 điểm cầu trong toàn quân với gần 600 đại biểu dự. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.
Hội thảo khoa học "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển"
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo - khẳng định cách đây 50 năm, thực hiện quyết tâm đánh bại về cơ bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam trong năm 1972, làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập đến thắng lợi cuối cùng.
Chiến thắng Quảng Trị và chiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trên toàn miền Nam năm 1972 và chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 đã tạo nên bước ngoặt quyết định cục diện chiến tranh, đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển"
Trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (28.6.1972 - 16.9.1972), chỉ tính riêng tại khu vực thị xã và Thành cổ Quảng Trị, quân địch đã dội xuống hơn 300.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Cùng với đó, hàng trăm ngàn viên đạn pháo các loại bắn phá mỗi ngày đã biến Thị xã Quảng Trị như bị san thành bình địa, Thành cổ Quảng Trị cũng chỉ còn là "những đống gạch đổ nát".
Dưới sự vây ép, đánh phá tàn bạo của bom thù, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ từng mét thành, dành giật với địch từng điểm chốt, từng đoạn công sự trận địa, bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị trong thời gian dài gấp 8 lần dự kiến ban đầu của địch. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị, ngoại giao, tạo thế trên bàn đám phán tại Hội nghị Paris.
Hội thảo đã nhận gần 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận tiếp tục khẳng định, làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc mở chiến dịch tiến công Trị - Thiên và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược 1972 và Hiệp định Paris.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo - khẳng định Hội thảo là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha, anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, nghị lực vượt qua mọi khó khăn; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ nói riêng.
Bài học quý báu
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, khẳng định sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
"Nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỉnh đã nằm trong tốp đầu của cả nước về các chỉ tiêu văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, người có công cách mạng chăm lo chu đáo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện" - ông Lê Quang Tùng nói và đồng thời khẳng định những bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử đã, đang và sẽ là những bài học quý báu cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị vận dụng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)