Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Săm-đéc Tê-chô Thủ tướng, phu nhân và các thành viên trong đoàn đại biểu Căm-pu-chia; nhiệt liệt chào mừng các quí vị đại biểu và đồng chí, đồng bào đến dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Căm-pu-chia - một công trình có ý nghĩa lịch sử, được hoàn thành đúng vào dịp hai nước chúng ta đang cùng nhau long trọng kỷ niệm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (07/01/1979) và năm hữu nghị Việt Nam - Căm-pu-chia nhân 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2012).
Thưa các quí vị đại biểu, Việt Nam - Cam-pu-chia là hai nước láng giềng, sông suối, đất đai liền một dải. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Căm-pu-chia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó keo sơn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn và mãi mãi ghi nhớ hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và người dân Căm-pu-chia đã kề vai, sát cánh cùng quân đội và nhân dân Việt Nam, anh dũng chiến đấu để đem lại độc lập tự do cho cả hai dân tộc chúng ta.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với tình cảm thuỷ chung, trong sáng luôn mong muốn và làm hết sức mình để tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Căm-pu-chia. Tuy nhiên, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã phá hủy mối quan hệ tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia. Chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã tước đoạt một cách tàn bạo quyền công dân, kể cả quyền sống của hàng triệu người dân Cam-pu-chia, đưa đất nước Cam-pu-chia đứng trước thảm họa diệt chủng. Hàng trăm nghìn người Căm-pu-chia đã phải rời quê hương chạy sang Việt Nam để lánh nạn. Trong tình cảnh đầy phức tạp và nguy hiểm đó nhân dân Cam-pu-chia luôn bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và trợ giúp của nhân dân Việt Nam .
Tập đoàn Pôn-pốt còn thực hiện chính sách hết sức thù địch, liên tiếp xâm phạm lãnh thổ Việt Nam , giết hại dã man hàng nghìn người dân Việt Nam, gây nên biết bao tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Trước những tình hình thực tế đó buộc Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình và giúp đỡ nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đây là một quyết định lịch sử - một hành động quyết đoán thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam đối với nhân dân Cam-pu-chia. Lật đổ chế độ Pôn-pốt đưa dân tộc Căm-pu-chia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng là mong muốn cháy bỏng và nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước Cam-pu-chia - Việt Nam , phù hợp với lương tri của nhân loại và luật pháp quốc tế.
Chiến thắng ngày 7 tháng 1 năm 1979 có ý nghĩa hết sức trọng đại, trước hết là đối với sự tồn vong và phát triển thịnh vượng của dân tộc Căm-pu-chia và đây cũng là thắng lợi chung của cả hai dân tộc, khép lại một trang sử đau thương, mở ra một thời kỳ mới của hợp tác và phát triển giữa hai nước. Chào mừng chiến thắng 7/1/1979 trên mảnh đất thiêng liêng này, chúng ta bồi hồi ôn lại lịch sử gần 34 năm trước đây, tại nơi đây, vào ngày 12 tháng 5 năm 1978, với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và quân dân tỉnh Đồng Nai, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Căm-pu-chia đã tập hợp nhau lại dưới sự chỉ huy của đồng chí Hun Sen, lập nên Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Căm-pu-chia sau này.
Sự kiện thành lập Đoàn 125 đã đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử, tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Căm-pu-chia nhằm xoá bỏ chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Ngay từ khi ra đời, Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Căm-pu-chia đã sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần thiết thực làm nên chiến thắng lịch sử ngày 07 tháng 1 năm 1979, đem lại sự hồi sinh cho dân tộc Căm-pu-chia và vĩnh viễn ngăn ngừa chế độ diệt chủng quay trở lại.
Trong buổi lễ trọng thể này, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và đời đời biết ơn các anh hùng, liệt sỹ của hai nước đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của mỗi nước, vì vận mệnh chung của hai dân tộc. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các gia đình liệt sỹ, thương binh, các cựu Quân tình nguyện, cán bộ chuyên gia Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với Quân đội và nhân dân Cam-pu-chia trong cuộc đấu tranh chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pốt tàn bạo, lập nên nhiều chiến công chói lọi, tô thắm và viết tiếp trang sử vẻ vang về mối tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt và gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Vịêt Nam-Cam-pu-chia.
Thưa Thủ tướng Hun Sen, phu nhân và các bạn Cam-pu-chia,
Thưa quí vị đại biểu,
Thưa đồng chí đồng bào,
Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để cùng nhau dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125, một biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất khuất của Thủ tướng Hun Sen, của các cán bộ, chiến sỹ Cam-pu-chia và cũng là một minh chứng lịch sử, biểu tượng sáng ngời về tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết chiến đấu, hoạn nạn có nhau của quân và dân hai nước Việt Nam - Căm- pu -chia chúng ta. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Việt Nam đã quyết định xếp hạng Khu di tích Đoàn 125 là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia với mong muốn khắc ghi một thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và truyền lại cho tuổi trẻ hai nước truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” để tiếp bước thế hệ cha anh , đóng góp nhiều hơn nữa cho tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương Quân khu 7, Sư đoàn bộ binh 302 và cấp uỷ, chính quyền, nhân dân xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã ra sức gìn giữ và đầu tư xây dựng công trình Khu di tích Đoàn 125. Tôi yêu cầu Quân khu 7, sư đoàn 302 cùng với chính quyền, nhân dân địa phương tiếp tục giữ gìn, tôn tạo khu di tích, luôn xứng đáng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam và là một biểu tượng đặc biệt của tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Căm-pu-chia.
Thưa Thủ tướng Hun Sen, phu nhân và các bạn Cam-pu-chia,
Thưa quí vị đại biểu,
Thưa đồng chí đồng bào,
Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, sau hơn 33 năm qua, Việt Nam và Cam-pu-chia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng nở hoa, kết trái. Đảng , Nhà nước và nhân dân Việt Nam xin chân thành chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Cam-pu-chia đã đạt được và tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Săm-đéc Tê-chô Hun Sen, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia anh em sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Ăng-ko rực rỡ, huy hoàng giành được nhiều thành tự u to lớn hơn nữa trong tiến trình xây dựng một nước Cam-pu-chia phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và thế giới.
Trong buổi lễ trọng thể này, một lần nữa thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Căm - pu - chia đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nhân dịp năm mới 2012 , thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam,
Tôi xin chúc Săm-đéc Tê chô Thủ tướng cùng phu nhân và c húc tất cả các bạn Căm-pu-chia , cùng các quí vị đại biểu và toàn thể đồng chí đồng bào sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt . C húc mối quan hệ đoàn kết đặc biệt , hữu nghị truyền thống, vĩ đại giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Căm-pu-chia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Xin cảm ơn các quý vị, các bạn và các đồng chí, đồng bào ./.
Bình luận (0)