UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành và địa phương liên quan rà soát tất cả các dự án ngoài ngân sách nhưng không triển khai, chậm tiến độ, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo 2 nhóm.
Một góc khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Nhóm thứ nhất, là các dự án đã được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng điều chỉnh tiến độ đầu tư theo quy định với thời gian tối đa 24 tháng, nhưng đến nay đã hết thời gian mà doanh nghiệp vẫn không triển khai, chậm tiến độ được duyệt và cam kết của nhà đầu tư.
Đối với nhóm này, UBND tỉnh yêu cầu căn cứ quy định pháp luật, lập các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án hoặc một phần dự án và thu hồi đất, kể cả trường hợp đã giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Nhóm thứ 2, là các dự án đủ điều kiện để được gia hạn thời gian sử dụng đất theo Luật Đất đai và điều chỉnh tiến độ đầu tư theo quy định. Các sở ngành có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, xem xét cho gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ.
Tuy nhiên, trong hồ sơ, phải yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết đây là lần gia hạn cuối cùng, nếu không hoàn thành đúng cam kết và thời gian gia hạn thì cơ quan chức năng sẽ chấm dứt dự án và thu hồi đất.
Tính từ 31-7-2019 đến nay, Lâm Đồng có 89 dự án được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, gia hạn dự án đầu tư.
Trong đó, năm 2019 có 19 dự án được gia hạn nhưng đến nay 13 dự án đã hết hạn, 3 dự án còn thời gian gia hạn; năm 2020 có 13 dự án được gia hạn (12 dự án hết thời gian, 1 còn hạn); năm 2021 có 22 dự án (19 dự án hết hạn, 3 dự án còn hạn); năm 2022 có 29 dự án (11 dự án hết hạn, 18 dự án còn hạn); năm 2023 có 6 dự án được gia hạn và còn thời gian gia hạn.
Như vậy, đối với 89 dự án đã gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng thì đến nay có 55 dự án hết thời gian, 34 dự án còn thời gian gia hạn. Số dự án được gia hạn nhiều nhất có vị trí tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với 22 dự án.
Bình luận (0)