UBND TP HCM vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cách tính điểm tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg phù hợp với tình hình của TP.
Cụ thể, Quyết định số 40 chỉ tính dân số theo số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số năm 2014 do Tổng Cục Thống kê công bố, đây là dân số có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Theo tính toán, hiện nay, hàng ngày sẽ có khoảng 8,9 - 9,4 triệu người sống tại TP, mật độ dân số đạt 4.028 người/km2, cao gấp 14,4 lần bình quân cả nước và gấp 1,84 lần so với địa phương đứng thứ 2 là Hà Nội.
Dự báo, tổng người dân trên địa bàn TP bao gồm vãng lai đến năm 2025 sẽ đạt 10,5 -11 triệu người, dẫn đến chi phí để đáp ứng các nhu cầu về giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ điện, nước… là rất lớn và sẽ không từng tăng cao. Do đó, TP kiến nghị xem xét, điều chỉnh tính bổ sung thêm dân số tạm trú dài hạn tính theo diện KT3 và dân vãng lai vào nội dung này để đảm bảo công bằng và phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.
UBND TP cũng cho biết với cách tính điểm của Quyết định số 40 (áp dụng thời kỳ ngân sách 2016 - 2020) thì tiêu chí tổng thu nội địa bị giảm 1,5 lần và tiêu chí tỷ lệ điều tiết số thu về ngân sách Trung ương giảm 6 - 7 lần so với cách tính của Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (áp dụng thời kỳ ngân sách 2011- 2015). Với cách tính trên, các địa phương có số thu nội địa càng cao sẽ càng bị giảm điểm phân bổ vốn đầu tư so với thời kỳ ổn định ngân sách. Cách tính trên sẽ khó có thể khuyến khích các địa phương phấn đấu huy động nguồn thu để đóng góp cho ngân sách quốc gia, điều tiết số thu về ngân sách Trung ương để cân đối chung cho nhu cầu chi của cả nước. Do đó, TP đề nghị xem xét, điều chỉnh cách tính điểm đối với các tiêu chí Tổng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất) và tỷ lệ điều tiết số thu về ngân sách Trung ương theo cách tính của Quyết định số 60.
Theo UBND TP, Quyết định số 40 không bổ sung tăng điểm cho tiêu chí thành phố đặc biệt và tiêu chí tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trong điểm. Việc bỏ các tiêu chí bổ sung điểm cho 2 TP đặc biệt là Hà Nội và TP HCM là bất hợp lý, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của các địa phương là đô thị đặc biệt đối với cả nước; chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP nói riêng và vùng kinh tế nói chung. Do đó, TP đề nghị xem xét, bổ sung tăng điểm đối với tiêu chí TP đặc biệt.
Văn bản UBND TP HCM gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (P.A)
Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị bổ sung kinh phí Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn; đồng thời, ưu tiên các nguồn tài chính, vốn ODA do Trung ương cấp phát để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải TP, hạ tầng chống ngập nước, xây dựng Khu Công nghệ cao, các bệnh viện tuyến cuối… đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TP HCM là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành. Trước đây, tỷ lệ điều tiết để lại cho TP là 33%, tuy nhiên đến thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2016 tỷ lệ này còn 23% và hiện nay còn 18%. Mặc dù, bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi.
Nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết của TP quá hạn hẹp nên sau khi ưu tiên bố trí cho chi thường xuyên còn lại cho chi đầu tư phát triển của TP chỉ khoảng 9.500 tỉ đồng/năm, nhưng phải bố trí hơn 28% để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn (khoảng 2.700 tỉ đồng/năm) nên thực chất chi đầu tư xây dựng cơ bản chỉ còn hơn 6.800 tỉ đồng/năm, chỉ đáp ứng khoảng 15% đến 19% nhu cầu đầu tư của TP (khoảng 35.000 tỉ đồng đến 40.000 tỉ đồng/năm).
Bình luận (0)