Tại kỳ họp thứ 25 – kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ của HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 22-4, Chủ tịch UBND TP HCM đã có đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP HCM trong giai đoạn 2016-2020.
Đóng góp 25% ngân sách cả nước dù bị ảnh hưởng Covid-19
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết kinh tế TP HCM tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ.
TP HCM tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, GRDP giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%; giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,43%; đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp HĐND TP thứ 25
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm; năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm và gấp 2,4 lần so với cả nước. Thu ngân sách TP HCM luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước, năm 2019 khoảng 27%.
Theo người đứng đầu UBND Thành phố, mặc dù trong năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng TP HCM vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách cả nước. Tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020, đã tiếp tục khẳng định sức mạnh nội tại của nền kinh tế.
Đi đầu trong đổi mới sáng tạo
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, dự báo tình hình trong và ngoài nước trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP HCM xác định mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
HĐND TP họp kỳ thứ 25 vào sáng 22-4
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại; thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Triển khai các khu đô thị vệ tinh
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay TP HCM sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Đó là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam TP HCM, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Đồng thời đổi mới quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM giai đoạn sau năm 2022; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển TP HCM giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố sẽ xây dựng và thực hiện 4 Chương trình phát triển TP HCM.
Bình luận (0)