Sáng 26-9, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố chỉ định ông Trần Phi Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 11- tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) nhiệm kỳ 2020-2025.
Phó Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải (phải) trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố cho ông Trần Phi Long
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã trao quyết định của UBND thành phố điều động và bổ nhiệm ông Trần Phi Long giữ chức Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS), thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
Ông Trần Phi Long năm nay 45 tuổi, quê quán huyện Củ Chi, TP HCM. Ông Long có trình độ Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Hành chính, Cao cấp Lý luận chính trị.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan (phải) chúc mừng ông Trần Phi Long
Chúc mừng ông Trần Phi Long, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Hồ Hải cho biết ông Long chủ yếu công tác ở địa phương nhưng khi tổ chức cần thì sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Với lợi thế là được đào tạo chuyên sâu về kinh tế nhưng chưa có nhiều thời gian công tác chuyên ngành nên ông Trần Phi Long rất cần sự hỗ trợ của tập thể trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS).
Lãnh đạo TP HCM chúc mừng ông Trần Phi Long nhận nhiệm vụ mới
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho hay các tổng công ty nhà nước có giai đoạn đỉnh cao là niềm tự hào của thành phố, là các doanh nghiệp chủ lực chi phối hoạt động kinh tế của thành phố.
Nhưng đến nay, các tổng công ty có dấu hiệu chững lại so với sự phát triển chung của doanh nghiệp và thành phố. Trong thời gian qua, các tổng công ty đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn.
Đối với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS), những khó khăn thời gian qua chủ yếu vẫn là công tác nội bộ, đoàn kết, tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Do đó, ông Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo TP HCM nhận thấy cần nhân sự lãnh đạo địa phương để kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho tổng công ty.
Ngoài công tác nhân sự, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) cần tập trung các vấn đề mà thành phố quan tâm như chuyển đổi số, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế tạo, công nghiệp chế biến… có sản phẩm dẫn dắt ngành công nghiệp thành phố.
Mới đây, ngày 23-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) và Công ty cổ phần TIE (TIE).
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS), Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chánh văn phòng CNS, Phó tổng giám đốc CNS), Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS); Vũ Lê Tùng, Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS), Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính kế toán CNS), Phạm Thúy Oanh (cựu Phó tổng giám đốc TIE), Hoàng Minh Trí (người đại diện quản lý phần vốn của CNS tại TIE, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS).
Theo kết luận điều tra, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. TIE là công ty con của CNS trong đó CNS sở hữu 70% vốn góp.
Ngày 15-1-2019, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an tiếp nhận đơn thư của tập thể cán bộ, công nhân viên CNS tố cáo ông Chu Tiến Dũng có hành vi vi phạm pháp luật.
Quá trình điều tra, công an xác định ông Chu Tiến Dũng và các cá nhân trên có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS, gây thất thoát 17,3 tỉ đồng; thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát 4,6 tỉ đồng.
Bình luận (0)