Tại Lễ khai mạc Hội thảo ARF (diễn đàn khu vực ASEAN) về hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hiệp Quốc (LHQ) diễn ra sáng 19-12 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định 70 năm qua, các hoạt động GGHB của LHQ có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết hậu xung đột tại nhiều nơi trên thế giới. Hiệu quả to lớn và ý nghĩa của hoạt động này luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đã và đang đưa hòa bình, ổn định trở lại với các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột. Thực tế chứng minh cơ chế an ninh tập thể tạo nên sức mạnh của hoạt động GGHB trên toàn cầu của LHQ.
Lễ khai mạc Hội thảo ARF về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Trong các quốc gia tham gia ARF đã đóng góp đáng kể cho lực lượng GGHB, chiếm khoảng 80% ngân sách và 37% về quân số. Hội thảo là cơ hội tốt để các quốc gia tham gia ARF chia sẻ sáng kiến, hợp tác nhằm nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động GGHB của LHQ.
Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh tăng cường năng lực tham gia hoạt động GGHB bằng nội lực là chính cùng sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế, trong đó, rất quan trọng là các quốc gia thành viên diễn đàn ARF. Việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trang bị, đào tạo quý báu góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng GGHB trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, Việt Nam mong muốn đưa ra một số sáng kiến như kết nối các trung tâm GGHB khu vực, trao đổi giảng viên, chia sẻ nghiệp vụ huấn luyện, tham vấn với Hội đồng bảo an LHQ với tư cách là một tổ chức khu vực… đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết đóng góp nguồn lực cho hoạt động GGHB LHQ.
Đại biểu tham dự hội thảo đến từ 26 quốc gia, tổ chức quốc tế
Bà Barbara Nadeau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, khẳng định ASEAN là một trung tâm năng động của toàn cầu, với vai trò trung tâm cấu trúc khu vực đã có những bước đi hoạch định chính sách an ninh khu vực. Quan trọng nhất là thách thức trong hoạt động GGHB LHQ để đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn để đối phó với những xung đột hiện nay trên thế giới. Hiện bản chất và yêu cầu của hoạt động GGHB đã thay đổi nhiều, những năm qua lực lượng này đã tăng gần gấp 3, hiện tập trung vào nhiều nhiệm vụ mới như bảo vệ dân thường…
Phạm vi xung đột hiện nay đã mở rộng, không chỉ trong 1 quốc gia, các phe nhóm trong xung đột không chỉ chính trị mà còn tội phạm, khủng bố,… Thực thi nhiệm vụ của mình, tại những khu vực có xung đột trên thế giới, lực lượng mũ nồi xanh hiện có rất ít hòa bình để gìn giữ mà nhiệm vụ chính của họ hiện nay là bảo vệ thường dân và tạo môi trường để hòa bình được xuất hiện.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước cho thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam, tháng 10-2017 - Ảnh: QUANG MINH
Hội thảo Gìn giữ hòa bình LHQ trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra trong 2 ngày 19 và 20-12 do Việt Nam khởi xướng, với sự đồng chủ trì của Canada , Hàn Quốc. Với chủ đề "Tăng cường vai trò của ARF trong hợp tác nâng cao năng lực về GGHB và phát triển quan hệ đối tác với LHQ" có sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ 26 quốc gia, Liên minh châu Âu, và các tổ chức quốc tế: Cục GGHB LHQ, Đại diện LHQ tại Việt Nam, Ban Thư ký ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (Golden West, Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức Pháp ngữ, Chương trìn phát triển LHQ - UNDP)…
Tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động GGHB LHQ. Đến nay, Việt Nam đã triển khai được 20 lượt sĩ quan tới các phái bộ GGHB LHQ và cam kết triển khai 1 bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan vào tháng 4-2018 và một đội công binh tới một phái bộ LHQ dự kiến trong năm 2019.
Bình luận (0)