Thứ trưởng Lê Quý Vương chúc mừng lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Ảnh: Mps.gov.vn
Ngày 17-8, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định của bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018.
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đã trao quyết định về công tác tổ chức cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, được Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, tân Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu
Ngoài ra, còn có 8 người được bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm giữ chức phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được hợp nhất từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74), là 2 đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng đấu tranh có liên quan chặt chẽ với nhau, nhằm tăng cường sự phối hợp trong triển khai các mặt công tác để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích đóng góp tích cực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong 6 tháng qua.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAND |
Thứ trưởng Lê Quý Vương cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác từ nay đến hết năm 2018 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; đồng thời nhấn mạnh việc tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị, nghị quyết của chính phủ, của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về việc sắp xếp tổ chức bộ máy mới đi đôi với việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Khẩn trương ổn định tổ chức, bố trí sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, đúng trình độ, năng lực sở trường để triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình tổ chức mới, đồng thời quan tâm làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thực hiện tốt chính sách cán bộ. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng điều tra viên, trinh sát viên có đủ phẩm chất, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiện toàn, bố trí đủ cán bộ ở cấp huyện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm điều lệnh, quy chế, quy trình công tác, đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là đoàn kết nội bộ.
Đồng thời, phải quán triệt sâu sắc về tình hình, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra hiện nay đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; nhận thức rõ và cụ thể những chủ trương chỉ đạo của đảng, nhà nước, của bộ về đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng… Tập trung lực lượng, phương tiện, các biện pháp công tác đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả…
* Thực hiện theo Nghị định 01 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an từ ngày 6-8, Bộ Công an không còn cấp tổng cục.
Theo đó, 6 tổng cục của Bộ Công an không còn gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục 1); Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2); Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3); Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục 4); Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5); Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8). Trong khi đó, 2 đơn vị tương đương cấp tổng cục là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) được giữ nguyên.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết theo Nghị định 01, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an không thay đổi. Tổ chức bộ máy được xây dựng chuyên sâu theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".
Về việc sắp xếp nhân sự, Thiếu tướng Quang cho hay các cán bộ của các tổng cục vẫn làm công việc cũ, đúng theo chức năng, nhiệm vụ. "Một số tổng cục trưởng sẽ xuống làm cục trưởng, còn một số cục trưởng sẽ tăng cường xuống địa phương"- Thiếu tướng Quang cho biết.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, sinh năm 1964, quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Tướng Ngọc từng giữ các chức vụ: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an Hà Nội, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội. Năm 2013, khi đó là đại tá, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Năm 2016, đại tá Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam. Ông được phong hàm thiếu tướng năm 2017.
Bình luận (0)