UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người. UBND thành phố cho biết theo số liệu thống kê trong vòng 5 năm qua trên cả nước, bệnh dại đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người rất cao.
Do đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế phối hợp với cơ quan thú y kịp thời thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị xử nghiêm
Đồng thời, tăng cường giám sát bệnh dại trên người với sự tham gia của cộng đông dân cư theo hướng tiếp cận "Một sức khỏe", có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế; bảo đảm việc tiếp cận vắc-xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến các địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê đàn chó, mèo 2 lần/năm nhằm quản lý chặt chẽ tình hình biến động đàn, làm cơ sở để triển khai công tác tiêm phòng đạt hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.
UBND TP Thủ Đức, quận, huyện yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, kê khai hoạt động chăn nuôi theo Thông tư 23/2019, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
Quận, huyện, TP Thủ Đức thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, thực hiện công tác bắt chó thả rông trên địa bàn.
Bình luận (0)