Sáng 23-10, Văn phòng UBND TP HCM cho biết sau khi kiểm tra hiện trường vụ tàu Vietsun Integrity chở container bị chìm ở sông Lòng Tàu, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu và xét nghiệm chất lượng nước thường xuyên tại vị trí tàu chìm và khu vực xung quanh.
UBND TP HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường.
Container trôi nổi trên sông sau sự cố tàu chìm hôm 19-10 - ảnh: CTV
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, đại tá Lâm Văn Huy, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP HCM, cho biết đơn vị đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút khoanh vùng dầu lan, hút 150 tấn dầu sau sự cố chìm tàu trọng tải hơn 8.000 tấn. Tính đến khuya 22-10, bộ đội biên phòng TP đã hút được khoảng 10 tấn dầu đọng trong tàu.
Ngoài ra, theo Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP HCM, đơn vị này cũng đã lắp đặt ống hút dầu tới két dầu bên trong tàu và đã hút ra khoảng hơn 10 tấn dầu đậm đặc.
Trước đó, vào tối 18-10, tàu Vietsun Integrity thuộc Công ty CP Nhật Việt, chở 285 container xuất phát từ TP HCM đi Hải Phòng. Cụ thể, khoảng 23 giờ 45 phút, khi di chuyển đến khu vực phao 32 luồng Sài Gòn - Vũng Tàu thì bất ngờ bị sự cố máy, nghiêng dần về một bên và đến gần 2 giờ ngày 19-10, tàu chìm trên luồng ở khu vực phao 28. Trên tàu có 17 người nhưng may mắn không ai bị nạn trong vụ tai nạn này.
Tiếp đến sáng 20-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc khắc phục.
Cơ quan chức năng cho biết có khoảng 150 tấn dầu có trong chiếc tàu chìm, hiện đang tập trung mọi biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn ngừa sự cố tràn.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết hiện đã có 2 lớp phao được triển khai quanh khu vực tàu chìm để kiểm soát các nguy cơ có từ hiện trường. Qua kiểm tra, việc rò rỉ dầu ra sông rất ít và hiện đã được thu gom toàn bộ, không có hiện tượng rò rỉ trở lại. Thợ lặn đang kiểm tra các két dầu để sẵn sàng cho phương án hút toàn bộ dầu lên.
Tuy nhiên, theo ông Sang, để đảm bảo tuyệt đối và ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra, các đơn vị đã chuẩn bị nhiều kịch bản đối phó. Lực lượng cứu hộ hiện đã bố trí các cần cẩu, tàu lai để thu gom toàn bộ container trôi nổi trên sông. "Hiện tất cả container đã được cố định ở bờ sông và đang di dời khỏi hiện trường" - ông Sang nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, trước đó sau khi vừa xảy ra sự cố, các lực lượng cảnh giới gồm nhiều đơn vị đã tổ chức chốt chặn các phương tiện lưu thông qua khu vực, đồng thời điều tiết qua các hướng lưu thông khác. Hiện toàn bộ các phương tiện đã được giải phóng và hoạt động hàng hải đã cơ bản trở lại như bình thường.
Cục Hàng hải Việt Nam dự kiến sẽ xem xét phương án nạo vét khẩn cấp một đoạn luồng gần khu vực tàu chìm để một số loại tàu có thể lưu thông, đồng thời lên phương án trục vớt tàu chìm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tại hiện trường
Tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá việc cấp bách là phải tập trung xử lý hút khẩn cấp 150 tấn dầu ra khỏi tàu để dầu không phát tán ra ngoài. Bên cạnh đó, ông Thể cũng chỉ đạo nhiệm vụ cần ưu tiên là trục vớt các container trôi nổi trên sông, cố định vào bờ và đưa vào các cảng gần đó để xử lý. Sau khi trục vớt các container thì tập trung trục vớt tàu.
"Đồng thời, cần mở rộng luồng để các phương tiện đi trên luồng mới, không ảnh hưởng đến việc xử lý hiện trường. Song song đó là phải đảm bảo an toàn hàng hải cùng đảm bảo sự cố không ảnh hưởng đến môi trường" - ông Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các lực lượng có liên quan sớm có biện pháp khắc phục và nhanh chóng xác định nguyên nhân của sự cố chìm tàu.
Để bảo đảm an toàn trong quá trình trục vớt và sẵn sàng ứng phó tình huống tràn dầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương có giải pháp bơm, hút dầu đảm bảo an toàn; không để sự cố tràn dầu xảy ra gây ô nhiễm môi trường và sẵn sàng phương án, lực lượng tham gia ứng phó khi có sự cố.
Đồng thời, thủ tướng yêu cầu chủ tàu có trách nhiệm phối hợp trong công tác trục vớt tàu, ứng phó sự cố tràn dầu và giải quyết hậu quả theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)